Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước được cáo trạng xác định là người trực tiếp làm trưởng đoàn thanh tra nhưng đã nhận tiền từ Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để bao che, bưng bít sai phạm của SCB; chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa kết luận thanh tra, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu. dẫn tới việc không ngăn chặn kịp thời sai phạm của SCB.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng Đỗ Thị Nhàn nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo tinh vi làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Thanh tra, gây phẫn nộ trong nhân dân nên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt án chung thân về tội “nhận hối lộ”.
Bào chữa cho Đỗ Thị Nhàn, các luật sư cho rằng mức án chung thân về tội nhận hối lộ mà Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị là quá nghiêm khắc; trong đó, việc xác định tội danh cho bị cáo Nhàn là chưa phù hợp.
Theo luật sư Nghiêm Diệu Thúy, cáo trạng đã xác định rõ Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) và Đỗ Thị Nhàn là người chỉ đạo đoàn thanh tra tại SCB. Trong đó, Nguyễn Văn Hưng là người ra quyết định thanh tra ngân hàng SCB, bị cáo Nhàn được giao là trưởng đoàn thanh tra và chỉ đạo các thành viên khác trong đoàn chia thành nhiều tổ thanh tra ngân hàng. Sau khi các thành viên làm việc xong thì tập hợp, báo cáo lại cho Nhàn, sau đó Nhàn tiếp tục báo cáo cho Hưng để đưa ra bản kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, trong chuỗi hành vi với quy trình khép kín đó, Hưng dù là người đồng chỉ đạo và là cấp trên của Đỗ Thị Nhàn nhưng chỉ bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có khung hình phạt cao nhất là 10 - 15 năm. Các bị cáo khác trong đoàn thanh tra bị cáo buộc với vai trò đồng phạm về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với mức phạt cao nhất là 15 năm tù. Riêng Đỗ Thị Nhàn lại bị truy tố về tội “nhận hối lộ” có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân đến tử hình. Đây là truy tố không công bằng giữa Nhàn và các bị cáo khác. Luật sư Thúy đề nghị Hội đồng Xét xử đánh giá lại vai trò của bị cáo.
Bào chữa bổ sung cho Đỗ Thị Nhàn, luật sư Nguyễn Đình Ứng phân tích, những lần Nhàn gặp riêng Trương Mỹ Lan là để bàn bạc về vấn đề nhờ bán tài sản, trao đổi về các khoản vay, giữa hai bên không có sự bàn bạc về vấn đề tiền. Trong hồ sơ vụ án hay lời khai của Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn đều không có thỏa thuận về việc bị cáo Nhàn yêu cầu bị cáo Lan đưa tiền để thay đổi kết quả thanh tra.
Bản thân Đỗ Thị Nhàn cũng không chủ động hẹn gặp Lan mà do Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB nhờ Nhàn đến gặp Lan để bàn về vấn đề thanh tra SCB. Những điều này đã được thể hiện qua lời khai của bị cáo Văn trước tòa.
Bên cạnh đó, thời điểm Đỗ Thị Nhàn nhận tiền diễn ra sau khi nội dung thanh tra SCB đã được hoàn thành, đã ký biên bản thanh tra và có báo cáo lên cấp trên nên không thể xác định Nhàn vì nhận tiền mà sửa số liệu thanh tra. Theo lời khai của Nhàn, việc bị cáo sửa số liệu là theo lệnh của cấp trên, tức Nguyễn Văn Hưng. Luật sư Ứng cho rằng điều này là hợp lý vì kết quả báo cáo trình Chính phủ, Đỗ Thị Nhàn không có thẩm quyền cao nhất mà còn phải thông qua cấp trên thẩm định.
Tự bào chữa, Đỗ Thị Nhàn trình bày, sau khi nhận tiền từ Võ Tấn Hoàng Văn, Nhàn luôn tự dằn vặt bản thân. Bị cáo không tiêu xài số tiền đó mà để nguyên rồi giao nộp lại cho cơ quan điều tra. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo thường xuyên mất ngủ, giảm 19 kg, có những cơn đau tim liên tục do ân hận về hành vi của mình, xấu hổ cho bản thân và gia đình. Trước tòa, bị cáo nỗ lực chuộc lại lỗi lầm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nộp lại toàn bộ tiền. Bị cáo mong Hội đồng Xét xử ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ cho mình, xem xét cho mình được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để o sớm trở lại gia đình trị bệnh.
Nguyễn Phi Long, cựu Tổng giám đốc Công ty Lavifood bị cáo buộc thực hiện theo chỉ đạo của Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu của Trương Mỹ Lan) để chỉ đạo nhân viên dưới quyền thành lập 52 công ty “ma”, câu kết với nhân viên Ngân hàng SCB tạo lập 105 hồ sơ vay vốn khống, giúp Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân rút tiền của ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho 1.396 tỷ đồng. Nguyễn Phi Long bị đề nghị mức phạt 8 - 9 năm tù vì tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Theo luật sư, hành vi phạm tội của bị cáo Long chỉ có vai trò thứ yếu và nhận thức lúc đó chỉ là giúp công ty giải quyết các vấn đề khó khăn. Khi nhận thức được sai phạm, Long đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lập phương án khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản về cho Nhà nước… Về thiệt hại, với việc phát sinh hơn 1.300 tỉ đồng Trương Mỹ Lan chuyển khắc phục hậu quả cho Trương Huệ Vân, nhóm liên quan Công ty Lavifood, bao gồm bị cáo Long có khả năng khắc phục 100% hậu quả. Luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét đây như một tình tiết giảm nhẹ để khoan hồng.
Tự bào chữa, Long cho biết bản thân là lao động chính trong gia đình, phải nuôi mẹ già, bản thân nhiều bệnh tật nên mong Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để sớm trở về gia đình. Ngoài ra, Long cho biết, bản thân bị cáo cũng là một người cha nên rất thông cảm với hoàn cảnh của Trương Huệ Vân có hai con nhỏ mà đã phải vắng mẹ trong thời gian dài; mong tòa xem xét chiếu cố thêm cho Trương Huệ Vân trong quá trình lượng hình để sớm về chăm sóc con.
Trong phần bào chữa cho các bị cáo Võ Triệu Lân, Đỗ Xuân Nam, Lê Kiều Trang, Nguyễn Ngọc Tú, Từ Văn Tuấn, Mai Hồng Chín, Đặng Quang Nguyên, Lưu Chấn Nguyên, Lương Thị Hồng Quế…, các luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét lại tính chất vai trò đồng phạm của các bị cáo trong vụ án là rất hạn chế, không đáng kể; các bị cáo chỉ làm theo công việc được giao, không được trao đổi bàn bạc, hứa hẹn hay cho hưởng lợi bất kỳ khoản tiền nào khác ngoài lương.
Đơn cử như bị cáo Võ Triệu Lân (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Chợ Lớn) bị cáo buộc đã ký 35 tờ trình thẩm định đồng ý cho 18 khách hàng là các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vat 35 khoản tại Ngân hàng SCB gây thiệt hại 9.637 tỉ đồng. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho rằng cần đánh giá lại vai trò đồng phạm, giúp sức của bị cáo Lân trong vụ án.
Theo luật sư, với vai trò là giám đốc chi nhánh, Lân chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng SCB. Việc Lân chấp nhận bỏ qua quy trình vay thông thường hoàn toàn là vì tin tưởng vào chỉ đạo của lãnh đạo SCB, mong muốn SCB được tái cơ cấu như bình thường. Riêng đối với khoản vay dự án Chợ Vải, Lân không được đọc kết luận thanh tra về dự án vì là tài liệu mật nên đã ký cho vay trong bối cảnh không nắm rõ thông tin, tuy nhiên bị cáo vẫn có đề nghị lãnh đạo SCB xem xét, cho ý kiến.
Tự bào chữa, Võ Triệu Lân cho biết khi nhận được hồ sơ khoản vay của 18 khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo đã rất băn khoăn do các cá nhân này vay không đi theo quy trình thông thường mà Ngân hàng SCB đề ra. Nhận thấy có bất thường, Lân đã từ chối ký các khoản vay này và gửi ý kiến lên lãnh đạo SCB. Ngay sau đó, Lân nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng SCB rằng đây là các khoản vay tái cơ cấu nợ cũ nên tiền không ra khỏi ngân hàng. Lân được yêu cầu phải ký chấp nhận cho vay nhằm hợp thức hóa các khoản vay do đây là nhiệm vụ cấp bách cho việc tái cơ cấu, nếu không ký sẽ bị sa thải.