Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm “ Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin”, do báo Người Lao Động tổ chức ngày 2/7.
Quảng cáo hàng giả “qua mặt” hàng thật
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tình trạng hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối, ngày càng diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại hơn, những đối tượng bán hàng giả thậm chí còn làm quảng cáo chuyên nghiệp, bài bản hơn cả những doanh nghiệp kinh doanh hàng thật. Họ tận dụng triệt để các công cụ quảng cáo, tiếp thị trên mạng xã hội, đánh vào tâm lý ham rẻ, thiếu thông tin của người tiêu dùng.
Đội Quản lý thị trường số 16, Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Bình Tân. Ảnh: QLTT
Song song đó, các đối tượng này ngày càng sử dụng công nghệ cao để sản xuất hàng giả tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường. Việc xác minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm trên môi trường mạng cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với các kênh bán lẻ truyền thống. Thông tin về nhà sản xuất, nhà phân phối thường không rõ ràng, thậm chí bị làm giả.
Nêu ra thực tế về sản phẩm của mình, ông Lương Trọng Khoa, sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax) khẳng định, hiện người tiêu dùng tìm kiếm từ khóa "sâm Ngọc Linh" trên mạng, có đến 90% kết quả hiện ra không phải là sâm Ngọc Linh thật. Đáng lo ngại hơn, chỉ cần nhiều người liên tục nhắc đến “sâm Ngọc Linh” trên mạng xã hội thì dù họ bán hàng giả, người tiêu dùng vẫn dễ dàng tin theo.
Theo đó, để tự vào vệ người tiêu dùng cũng như tự bảo vệ mình, vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My đã tổ chức các phiên chợ sâm thật, xây dựng niềm tin cho khách hàng. Song, người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh xa rất khó bay ra tận nơi để mua trực tiếp tại chợ phiên, do đó cần có những giải pháp hiệu quả hơn.
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào cho biết, từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp phải chủ động đầu tư cho công tác phòng, chống hàng giả như trang bị hệ thống máy móc, đổi mới thiết kế bao bì, tem nhãn, tờ hướng dẫn có tích hợp mã QR nhằm minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, sản phẩm của công ty không còn bị làm giả trên thị trường.
Để bảo vệ tốt hơn môi trường kinh doanh lành mạnh, bà Phạm Thị Đào kiến nghị thành lập Hội đồng thanh tra liên ngành. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn về hàng gian, hàng giả, hội đồng này có thể thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý vi phạm, từ đó tạo sự yên tâm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính tiếp tục đầu tư xây dựng thương hiệu.
Theo bà Trần Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Kinh doanh vùng Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu, việc thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả ngày càng tinh vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Để đối phó với vấn nạn này, Long Châu hợp tác với Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, tiến hành kiểm tra đột xuất các mặt hàng nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng; chuyển đổi số lĩnh vực y tế, từ quản lý dữ liệu cho đến nâng cao trải nghiệm khách hàng; áp dụng kiểm tra kép gồm kiểm tra hồ sơ pháp lý đúng quy định và kiểm định thực tế sản phẩm đầu vào cũng như tại các điểm bán, nhằm kiểm soát chất lượng một cách toàn diện; triển khai chiến dịch xuất xứ minh bạch vì một Việt Nam khỏe mạnh…
“Với chúng tôi, minh bạch không chỉ là trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là cam kết xây dựng một hệ thống y tế an toàn, công bằng và bền vững, với sự chung tay, đồng hành của cả cộng đồng”, bà Trần Thị Thanh Thảo khẳng định.
Nhiều bất cập trong công tác thanh tra
Bà Phạm Thị Đào bày tỏ rất hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đang ngày càng quyết liệt trong công tác phát hiện, triệt phá vi phạm, qua đó giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Doanh nghiệp và người dân đều mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp này.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý và phát triển thị trường trong nước chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: BNLĐ
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực trạng hàng gian, hàng giả vốn không mới nhưng khi tích tụ đủ về lượng sẽ “bùng nổ” thành những vụ việc lớn, khiến dư luận giật mình. Đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, khi chỉ cần một mặt hàng bán chạy sẽ lập tức có đối tượng làm giả để trục lợi do siêu lợi nhuận. Thị trường còn nhiều “cỏ dại” khiến ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín cũng than phiền khó tiếp cận.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện TP Hồ Chí Minh đã thống nhất quản lý an toàn thực phẩm về một đầu mối, tránh tình trạng “đổ trách nhiệm”. Ngoài ra, thành phố cũng có điều kiện xây dựng các chương trình dài hạn để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn thực phẩm; đồng thời đã bố trí các đội quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra trên địa bàn để thường xuyên theo dõi, xử lý.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định hiện hành vẫn còn nặng về hình thức, dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả bằng các nước. Chẳng hạn như thanh tra định kỳ phải lên danh sách trình duyệt trước, dễ bị cơ sở đối phó. Trong khi đó, thanh tra đột xuất dù hiệu quả hơn nhưng lại gặp rào cản thủ tục, phải giải trình lý do kiểm tra, gây tâm lý ngại thực hiện.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm chống hàng giả không chỉ thuộc về doanh nghiệp hay cơ quan chức năng mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội phải chủ động rà soát, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, khóa tài khoản gian lận và phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, không tiếp tay cho hàng giả, mạnh dạn tố giác các hành vi gian lận để bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý và phát triển thị trường trong nước xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường rất gian nan. Đây là một cuộc chiến lâu dài, cần kiên trì, quyết liệt, cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.
Trong những tháng cuối năm 2025, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, tăng cường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác này. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, Cục cũng chú trọng phát triển thị trường theo hướng bền vững, không chỉ dừng lại ở khuyến khích "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", mà tiến tới "phải dùng hàng Việt Nam" nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử.
Người dân có thể gọi qua đường dây nóng số điện thoại 1900.888.655 để phản ánh hàng gian, hàng giả hoặc cũng có thể trực tiếp đến văn phòng cơ quan chức năng để cung cấp thông tin.