Sau khi TTXVN lên tiếng phản ánh Công ty sâm Việt Nam trồng sâm trên… giấy, miệng, một số cơ quan báo chí khác vào phản ánh với nhiều thông tin trái ngược.
Trước thực tế trên, ngày 30/12/2021, Ban Tuyên giáo tỉnh Kon Tum đã kịp thời có văn bản số 840-CV/BTGTU gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về phối hợp chỉ đạo xác minh thông tin báo chí phản ánh. Cụ thể, văn bản nêu rõ qua theo dõi, ngày 22/12/2021, TTXVN và báo VietnamPlus có bài: Thực hư câu chuyện vườn sâm Ngọc Linh “trên giấy” tại Kon Tum…
Những ngày sau, thông tin một số báo có sự nhìn nhận khác nhau về việc Công ty sâm Việt Nam công bố 10 ha sâm tại Kon Tum. Để kịp thời định hướng dư luận xã hội, đồng thời bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh của Kon Tum cũng như bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh thông tin báo chí phản ánh; đồng thời xem xét chỉ đạo việc họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian sớm nhất.
Đến ngày 5/1, văn phòng UBND tỉnh Kon Tum mới có văn bản (số 37/VP-NNTN) thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hữu Tháp về việc giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, hai huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin. Thời gian hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh là ngày 10/1/2022.
Tuy nhiên đến nay, dù quá thời hạn 3 ngày nhưng việc kiểm tra, xác minh thông tin vẫn chưa có kết luận chính thức.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên TTXVN, báo cáo về việc Công ty sâm Việt Nam trồng sâm trên giấy, miệng vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân là do đến trưa ngày 13/1, đoàn kiểm tra chưa làm việc được với Công ty sâm Việt Nam. Việc xác minh công ty “liên kết” với dân đã có với con số rất ít.
Đối với thông tin 10 ha vườn sâm gốc do Công ty sâm Việt Nam tự công bố, đoàn kiểm tra chưa tới “vườn sâm” trên. Đoàn liên ngành đã đến trụ sở chính công ty làm việc nhưng đóng cửa. Sau đó, đoàn đã liên hệ qua điện thoại, gửi văn bản hẹn làm việc nhưng lãnh đạo công ty liên tục viện lý do để không làm việc.
Liên quan đến vụ việc, hiện chỉ mỗi chính quyền huyện Tu Mơ Rông là có thông tin chính thức về vụ việc.
Cụ thể, khi công ty công bố vườn sâm Ngọc Linh 10 ha, huyện Tu Mơ Rông đã kịp thời chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc, kiểm tra, xác minh thông tin. Theo đó, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông khẳng định: huyện chưa giới thiệu đơn vị này trồng sâm trên địa bàn. Được biết, tỉnh cũng chưa giới thiệu để đơn vị này trồng sâm. Việc xác minh Công ty sâm Việt Nam “liên kết” cũng cho kết quả được vài luống, không phải nhiều héc ta như công ty công bố trước một số cơ quan báo chí.
Công ty sâm Việt Nam thiếu trung thực, tuy nhiên hơn một tháng rưỡi qua, lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vẫn loay hoay “chưa” tìm được câu trả lời chính thức cho dư luận.
Ngày ra mắt 29/11/2021, Công ty sâm Việt Nam tổ chức hoành tráng với sự góp mặt ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. Cùng đó là lãnh đạo các sở có liên quan như: ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số lãnh đạo khác trong tỉnh Kon Tum.
Làm việc với phóng viên TTXVN về Công ty sâm Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cung cấp số liệu: Hiện toàn tỉnh Kon Tum có 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ và 8 doanh nghiệp có báo cáo đăng ký diện tích, vị trí trồng, số lượng sâm Ngọc Linh. Số liệu này đã được kiểm tra.
“Từ trước đến giờ, 8 doanh nghiệp mà đăng ký gửi báo cáo về sở, chúng tôi tiến hành kiểm tra không có doanh nghiệp này. Sở Nông nghiệp không có nhận bất kỳ một báo cáo về công ty này", ông Nguyễn Hoài Tâm khẳng định với phóng viên.
Mặc dù khẳng định không có Công ty sâm Việt Nam nhưng ngày ra mắt trụ sở công ty, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đến dự và phát biểu tại đây. Ngoài ra, khi phóng viên đề nghị cung cấp số liệu 8 công ty, doanh nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum không cung cấp.
Đến ngày 22/12, khi TTXVN phát bài đầu tiên về “Bánh vẽ” với sâm Ngọc Linh (thực hư thông tin Công ty trồng sâm trên giấy), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã “rút” số Công ty trồng sâm từ 8 xuống còn 5 công ty. Theo tìm hiểu của phóng viên, 8 doanh nghiệp, công ty có trồng sâm mà lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm nói có trồng sâm và đã được kiểm tra có 3 công ty mới gồm: Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Mô Za Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quốc bảo Tu Mơ Rông. Số liệu này, ngành nông nghiệp đã gửi cho huyện Tu Mơ Rông để thống kê.
Ngoài ra, trong thành phần lãnh đạo của Công ty sâm Việt Nam có bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty sâm Việt Nam, là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum…
Có hay không việc Công ty sâm Việt Nam “tranh thủ” sự có mặt của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cùng giám đốc một loạt sở liên quan đi dự buổi ra mắt trụ sở để công bố vườn sâm trồng trên giấy? Hiện tại, dư luận đang đợi câu trả lời chính thức từ UBND tỉnh Kon Tum về thực hư thông tin Công ty sâm Việt Nam trồng sâm trên giấy, miệng.
TTXVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.