Thời gian gần đây, có một số thông tin phản ánh tình trạng rừng quốc gia Đền Hùng bị lâm tặc chặt phá bừa bãi, gây mất cảnh quan tại khu di tích...
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di lích lịch sử Đền Hùng khẳng định: Không có chuyện lâm tặc chặt phá trong phạm vi rừng Đền Hùng tại khu di tích.
Cây bị đổ do mưa bão năm 2011 được cắt khúc vẫn để nguyên hiện trường. |
Ông Các cho biết, rừng quốc gia Đền Hùng là rừng đặc dụng được gắn liền với Đền Hùng – Di tích quốc gia đặc biệt đã được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt. Một cây đổ, gãy do tuổi đời của cây cao, mục gốc hoặc mối ăn thân cây cho đến những cây bị mưa lốc quật đổ đều được Ban quản lý khu di tích phối hợp với các ngành liên quan lập biên bản trình UBND tỉnh, sau đó được tỉnh đồng ý mới được phép chặt hạ để đảm bảo lối đi thông thoáng cho du khách khi về với Đền Hùng...
Cọc cây bạch đàn được đóng xuống đất để làm giảm sức văng khi tời vật liệu lên đền Thượng. |
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy ông giải thích thế nào về thông tin ‘những cây, lối đường mòn do lâm tặc tận dụng để vận chuyển gỗ và một số cây bị chặt vẫn còn nguyên gốc’ như một số báo phản ánh trong thời gian vừa qua?”, ông Các cho biết: Năm 2007 và ngày 8/5/2011 tại khu vực Đền Hùng đã xảy ra bão lốc làm đổ gần 200 cây các loại trên núi Nghĩa Lĩnh. Những cây này sau khi lập biên bản trình UBND tỉnh đã được tỉnh cho phép chặt dọn để đảm bảo lối đi và an toàn cho du khách tham quan Đền Hùng, đồng thời cắt tỉa một số cây có nguy cơ đổ gãy vào đền, chùa nên mới có những gốc cây vẫn nằm nguyên ở đó. Một số cây đổ như cây đa nhộng vàng (khu vực đền Hạ, đền Giếng) đã được dựng lại hoặc để nguyên trạng và có biện pháp chăm sóc để cây tiếp tục phát triển.
Lối mòn đã được dọn để căng dây tời khi chuyển vật liệu lên đền Thượng phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo đền. |
Về lối mòn được cho là “lâm tặc dọn đường để chuyển”, ông Các giải thích: Ngày 14/9/2007, sau khi khảo sát các tuyến vận chuyển vật liệu lên núi Nghĩa Lĩnh để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo tại đền Thượng, Ban quản lý khu di tích đã cho phép nhà thầu vận chuyển vật liệu từ bãi đỗ xe phía Bắc đi qua tuyến đường mòn sau núi Nghĩa Lĩnh (phía Đông Bắc) qua nhà ông Tình lên đỉnh núi. Đây là tuyến đường mòn duy nhất không có cây lớn mà chủ yếu là lau lách. Tại đường mòn này, nhà thầu đã đóng một số cọc bạch đàn để buộc dây tời kéo vật liệu lên đền Thượng. Ông Các cho biết thêm, những cọc này nhằm làm giảm sức văng khi chuyển vật liệu, không để va chạm vào những cây khác và không ảnh hưởng đến lớp thực bì của rừng... Chính những cọc gỗ này đã được một số thông tin phản ánh là “cây bị lâm tặc chặt phá”.
Trước những thông tin phản ánh trên, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát toàn bộ diện tích rừng quốc gia Đền Hùng, tăng cường công tác phòng chống cháy rừng. Đồng thời yêu cầu xác minh cụ thể từng việc và báo cáo lãnh đạo tỉnh để sớm có biện pháp xử lý nếu có...Bài và ảnh: Tạ
Văn Toàn