Chưa chặn triệt để giấy tờ giả

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau hơn một năm triển khai, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng và lưu hành giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Công chứng thật, giấy tờ giả

Năm 2015, văn phòng công chứng Hoàng Xuân (Quận 5, TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà của một người tên là P.T.N, để nhận cọc 1 tỉ đồng bán căn nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra giấy tờ, công chứng viên nghi ngờ, yêu cầu lập biên bản, sau đó mới biết chính con trai bà N. đã làm giả chứng minh nhân dân, hộ khẩu sao y, giấy xác nhận độc thân, thuê người giả bà N. và đã lừa được của người mua nhà 650 triệu đồng. 

Theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), các hành vi giả mạo phổ biến là giả mạo giấy tờ tùy thân, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, giả mạo người yêu cầu công chứng… Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao. Do đó, thời gian qua, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, một số cơ quan thực hiện chứng thực đã chủ quan không kiểm tra kỹ bản chính làm cơ sở để chứng thực nên đã xảy ra tình trạng chứng thực cả những bản chính giả, cấp sai thẩm quyền.

Khi chứng thực hợp đồng, giao dịch, cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 35 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, khi đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đề nghị chứng thực bản sao từ bản chính thì cơ quan có thẩm quyền gần như không có khả năng nhận biết những giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả để từ chối. Bởi các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả được làm rất tinh vi, bằng mắt thường không thể nhận biết, mà phải đối chiếu con dấu, xác nhận hồ sơ, học bạ tại nơi cấp giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Nguy cơ này càng gia tăng khi gặp phải các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Như vậy, vì không đủ điều kiện và khả năng để xác định giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, cơ quan chứng thực đã vô tình “giúp đỡ” các đối tượng xấu hợp thức hóa các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả thành các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ thật.

Từ chối nếu trái luật

Theo phản ánh của nhiều địa phương, sau hơn một năm triển khai, nhiều quy định trong Nghị định 23/2015/NĐ-CP còn nhiều điểm bất cập, gây khó cho cả cán bộ và người dân. Cụ thể, quy định “Chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ” đã khiến các cơ quan chức năng khá lúng túng. Bởi nếu không lưu trữ bản sao được chứng thực từ bản chính thì khi phát hiện sai sót đối với bản sao sẽ không có cơ sở để đối chiếu và xác định trách nhiệm. Trường hợp phổ biến nhất là sau khi được chứng thực bản sao bằng tốt nghiệp THPT từ bản chính, người yêu cầu chứng thực cố tình tẩy xóa, sửa chữa các thông tin trên bản sao đã chứng thực để nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đại học nghi ngờ về nội dung bản sao được chứng thực, liên hệ đến cơ quan đã thực hiện chứng thực để xác minh thì cơ quan đã chứng thực không thể làm được.

Còn theo Điều 35 của Nghị định, người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Nhiều cán bộ chứng thực, nhất là các cán bộ cấp xã đã vin vào quy định này để trốn tránh trách nhiệm trong trường hợp sau này phát hiện hợp đồng vi phạm các điều trên. Tuy nhiên, theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực  quy định như vậy không có nghĩa là người thực hiện chứng thực không phải chịu trách nhiệm gì đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội mà với trình độ, năng lực bình thường thì một cán bộ, công chức cấp xã bắt buộc phải biết để từ chối.

Để bảo vệ quyền lợi của người dân và đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thực hiện chứng thực, khi chứng thực hợp đồng, giao dịch phải thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 35 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Theo đó, cùng với việc xác nhận về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện các bên; thời gian, địa điểm ký kết hợp đồng, giao dịch… thì phải có trách nhiệm xem xét đến nội dung của hợp đồng, giao dịch.
Thu Phương
Nguyên trưởng phòng công chứng Bạc Liêu nhận án tù về tội lừa đảo
Nguyên trưởng phòng công chứng Bạc Liêu nhận án tù về tội lừa đảo

Ngày 25/8, Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN