Hàng chục ngôi nhà của người dân ở khu 3 và khu 4, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) bị lún, nứt chưa xác định được nguyên nhân đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống của người dân từ nhiều ngày nay.
Ngôi nhà hai tầng của gia đình chị Đỗ Thị Xuân ở khu 4 được xây dựng từ năm 1999 nhưng bỗng chốc xuất hiện những vết nứt trên tường ngày càng lớn. |
Ngôi nhà hai tầng của gia đình chị Đỗ Thị Xuân ở khu 4 được xây dựng từ năm 1999 nhưng bỗng chốc xuất hiện những vết nứt trên tường ngày càng lớn. Chị Xuân bức xúc nói: Nhà tôi ở cách khu vực nổ mìn khai thác đá của Công ty cổ phần xi măng Sông Thao khoảng 80 m. Trước đây, nhà tôi không hề có vết nứt, nhưng từ giữa năm 2009, khi công ty nổ mìn khai thác đá đã làm nứt tường nhà, lún sân phía sau, nghiêng công trình phụ. Các vết nứt trên tường ngày càng trầm trọng, có chỗ lọt cả bàn tay trẻ con, chạy dọc từ nền lên đến trần nhà. Hiện nay, tôi phải cho hai con ngủ ở gần cửa, nếu có hiện tượng sập nhà thì chạy thoát ra ngoài nhanh hơn. Toàn bộ khu công trình phụ, sân phía sau nhà hiện nay không thể sử dụng được, cuộc sống của gia đình tôi đang bị đe dọa từng ngày.
Ông Đỗ Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ khu 4, xác nhận: Mỗi ngày, công ty nổ mìn hai lần vào khoảng 11 giờ 30 và 19 giờ. Nhà tôi cách khu vực nổ mìn khoảng 900m nhưng cũng bị rung lắc mỗi khi mìn nổ. Ở khu 4 có nhiều gia đình bị nứt nhà, trong đó nghiêm trọng nhất là nhà chị Đỗ Thị Xuân, ông Đỗ Trọng Ân, ông Nguyễn Văn Tịnh...
Khi có sự phản ánh của người dân, chính quyền địa phương cùng Công ty CP xi măng Sông Thao và người dân đã lập biên bản hiện trạng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và chưa có giải pháp khắc phục đảm bảo an toàn cho người dân. Ông Đỗ Xuân Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Dân cho biết: Khu vực khai thác đá của Công ty CP xi măng Sông Thao gần khu dân cư, do đó việc ảnh hưởng do chấn động, tiếng nổ là khó tránh khỏi. Hiện có hơn 40 hộ dân thuộc các khu 3, 4 đang bị ảnh hưởng từ việc nổ mìn. Ông Ái thừa nhận: Trước khi Công ty CP xi măng Sông Thao khai thác đá thì nhà dân vẫn bình thường, nhưng khi công ty đi vào hoạt động, việc nổ mìn làm ảnh hưởng, rung chấn nhà dân là có thật.
Ông Vi Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết: Chấn động, nứt nhà dân là có thật, tuy nhiên nguyên nhân thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Việc cấp phép nổ mìn, khoảng cách, quy trình… là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh. Huyện đã nhận được đơn kiến nghị của người dân, và đã cử cán bộ xuống kiểm tra nhưng cũng chưa khẳng định được việc nổ mìn có làm nứt nhà dân hay không vì việc này quá thẩm quyền cấp huyện. UBND huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tình trạng trên. Để giải quyết triệt để tình trạng trên, ông Vi Mạnh Hùng cho rằng, cần di dời toàn bộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng do nổ mìn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm sản xuất (!).
Thanh tra Sở Công Thương Phú Thọ đã về địa phương làm việc thời gian khá dài nhưng cũng không tìm được nguyên nhân gây nứt nhà dân. Kết luận của đoàn thanh tra nêu: Gần như toàn bộ các hộ khu 3, 4, 5 giáp ranh với khu vực khai thác mỏ đá Ninh Dân công trình xây dựng đều bị nứt, có nhà nứt toàn phần, có nhà nứt cục bộ... Trước đó, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện cùng Viện Mỏ địa chất và Khoáng sản kiểm tra, khảo sát và xác định vùng khai thác có các hang cáctơ. Do đó, Thanh tra Sở Công Thương không thể kết luận nguyên nhân gây hư hỏng nhà của người dân là do nổ mìn hay do tác động giữa nổ mìn cộng với hiện tượng sụt lún do hang cáctơ.
Như vậy, việc lún, nứt nhà dân ở khu 3, 4, xã Ninh Dân là có thật nhưng chưa rõ nguyên nhân và cũng chưa có hướng giải quyết. Mìn khai thác đá thì vẫn nổ, còn nhà dân thì vẫn có thêm vết nứt.
Bài và ảnh: Trương Văn Quân