Là người đầu tiên trình bày lời nói sau cùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã gửi lời xin lỗi tới cán bộ y tế của hai bệnh viện ông từng công tác lâu năm là Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Nhận thức hành vi của mình đã làm tổn thương và ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện, bị cáo Tuấn mong muốn các đồng nghiệp ngành y coi vụ án của ông là bài học vô cùng đau xót, tránh mắc phải, hy vọng họ vượt qua khó khăn cuộc sống và nghề nghiệp để chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân.
Thừa nhận sai phạm và không bào chữa cho hành vi của mình, tuy nhiên bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ hy vọng Hội đồng xét xử cân nhắc giảm án nhiều hơn cho 11 bị cáo còn lại, nhất là 5 bị cáo là cán bộ dưới quyền tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Bị cáo Tuấn cho rằng mình chịu trách nhiệm lớn nhất, những cán bộ này chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo, không được hưởng lợi nhưng đã cố gắng khắc phục trong khả năng tối đa.
Bị cáo Tuấn thừa nhận đây là "bài học lớn" cho mình sau cả cuộc đời phấn đấu. Là một trong những sinh viên xuất sắc của Đại học Y Hà Nội, mặc dù đủ điều kiện đi học nước ngoài nhưng ông Tuấn đã tình nguyện đi chiến đấu biên giới. Sau này xuất ngũ, ông vẫn tiếp tục học tập và trở thành bác sĩ tim mạch có trình độ chuyên môn cao, được công nhận bởi nhiều tổ chức y tế, tim mạch hàng đầu thế giới. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bày tỏ hy vọng được "tiếp tục cống hiến, nghiên cứu, đào tạo ra nhiều bác sĩ tim mạch giỏi nghề trong tương lai, tiếp tục cứu người".
Nhiều bị cáo nguyên là cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội đã ghi nhận sự đóng góp của bị cáo Tuấn vào sự phát triển của Bệnh viện. Bị cáo Nghiêm Tuấn Linh, nguyên Phó trưởng phòng Vật tư cho rằng ông Nguyễn Quang Tuấn đã "thổi hồn vào các cán bộ y tế Viện Tim, truyền cho chúng tôi tinh thần làm việc hăng say hết mình, tận hiến vì bệnh nhân". Dưới sự lãnh đạo của ông Tuấn, Bệnh viện đã phát triển, đáp ứng nhu cầu người bệnh và trở thành đơn vị đầu ngành.
Trước đó, luật sư Bùi Đình Ứng (bào chữa cho bị cáo Tuấn) cho rằng bị cáo Tuấn thừa nhận sai phạm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, song mong muốn được xem xét toàn diện hoàn cảnh phạm tội cho thân chủ của mình.
Luật sư Ứng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn chỉ là "nóng vội", lo sợ Bệnh viện không còn vật tư cứu chữa cho bệnh nhân. "Nếu cứng nhắc và nguyên tắc, bác sĩ Tuấn có thể ngừng cấp cứu, ngừng tiếp nhận bệnh nhân khi hết vật tư, để chờ kết quả đấu thầu tập trung, sai phạm đã không xảy ra, nhưng với lương tâm bác sĩ, đặt tính mạng bệnh nhân làm đầu, ông Tuấn đã chấp nhận làm sai quy trình”, luật sư Ứng nhấn mạnh.
Trong phần luận tội trước đó, bị cáo Tuấn bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt mức án từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về phía mình, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện) mong được Hội đồng xét xử đánh giá khách quan và nhân văn về hành vi phạm tội bởi bị cáo đã nhận thức rõ hành vi sai trái của bản thân. Bị cáo Hưởng trình bày, khi Bệnh viện Tim Hà Nội được cho thí điểm tự chủ, bị cáo cũng đã có nhiều đóng góp. Suốt thời gian làm việc từ năm 2006 - 2016, bị cáo luôn làm việc hết sức mình, những thành tích đóng góp đó là vinh dự cho cả tập thể và cá nhân của bị cáo. Tuy nhiên, để xảy ra sai sót này, bị cáo Hưởng ăn năn hối hận và gửi lời xin lỗi tới gia đình bởi đến lúc nghỉ hưu mà vẫn có hành vi sai phạm đến mức phải đứng trước tòa ngày hôm nay, bị phong tỏa nhà cửa khiến chồng con lo lắng… Bị cáo Hưởng mong được Hội đồng xét xử cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Các bị cáo còn lại trong vụ án đều thừa nhận sai phạm và mong Hội đồng xét xử xem xét toàn diện bối cảnh vụ án, những tình tiết giảm nhẹ để cho các bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình, xã hội...
Hội đồng xét xử nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án lúc 14 giờ ngày 21/4.