Bẫy chim "công nghệ cao": Nguy hiểm thay!

Mỗi chú họa mi rừng sau khi bẫy được mang về thành phố bán là cầm chắc tiền triệu, nên bẫy chim hiện nay đang trở thành nghề kiếm cơm của nhiều người ở tỉnh Lào Cai. Trước đây, đồng bào dùng cách bẫy dân gian, chủ yếu là xua đuổi chim để bảo vệ mùa màng, nhưng gần đây người ta lại bẫy chim kiểu "công nghệ cao", dùng loa phóng thanh bắt chước tiếng chim để nhiều con chim quý sa bẫy. Với cách làm này, những con họa mi, khướu đen, quế lâm, ngũ sắc và nhiều loài chim quý khác đã lần lượt bị sa lưới.

Ở một số địa phương như Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa và thành phố Lào Cai có những thợ bẫy chim bằng "công nghệ cao", mỗi ngày xuất quân là bắt được hàng chục con chim rừng quý hiếm. Bắt hết chim trống, đến chim mái và chim non người ta cũng không tha. Ở nhiều cánh rừng vốn phong phú các loài chim như: Tam Đỉnh, Gia Lan (huyện Văn Bàn), xã Bản Qua, A Mú Sung (Bát Xát), dọc dải sông Hồng, "thợ chim" đã càn quét sạch nên nơi đây không còn đàn họa mi hay đàn khướu đen nào.

Lên khu du lịch Sa Pa, không khó để thấy các loại chim: Họa mi, khướu lửa, quế lâm, ngũ sắc... được bày bán quanh khu vực nhà thờ đá. Đám trẻ địa phương tuy còn ít tuổi nhưng đã có "thâm niên" săn chim rừng mang ra thị trấn bán kiếm tiền. Gần đây, ngoài họa mi và khướu, người ta thích chơi cả khuyên, chòe than, chòe lửa, cu gáy... nữa. Những loại chim này bị đánh bắt gắt gao, số lượng đang cạn dần. Tính chung toàn tỉnh Lào Cai mỗi ngày có đến hàng trăm chú chim rừng xấu số phải vĩnh biệt rừng xanh và buộc phải sống trong cảnh "chim lồng, cá chậu" mua vui cho con người.

Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN