Tháng 5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện và tịch thu 12 cá thể chim săn mồi tại nhà của một đối tượng, sau khi đối tượng này rao bán các cá thể chim trên mạng xã hội Facebook. Cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt đối tượng này 11,25 triệu đồng vì nuôi nhốt và quảng cáo bán trái phép 12 cá thể chim săn mồi.
Hoạt động mua bán chim săn mồi trên Internet tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh, đặc biệt trong các hội nhóm trao đổi-huấn luyện chim săn mồi. Tuy nhiên, hầu hết các loài chim săn mồi đều nằm trong Phụ lục II CITES-Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, phải có giấy phép nhập khẩu cấp bởi Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES (trong trường hợp nhập khẩu) hoặc các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trong trường hợp mua, bán trong nước).
Cũng trong tháng 5/2020, từ thông tin ENV cung cấp, Facebook đã gỡ bỏ hoàn toàn 277 bài viết quảng cáo buôn bán ĐVHD trên nhóm “Hội Anh Em Ba Miền” ở Việt Nam và cảnh báo sẽ vô hiệu hóa nhóm này nếu tiếp tục ghi nhận các bài viết vi phạm. Đây là một nhóm Facebook đã hoạt động từ lâu, thường xuyên có các thành viên rao bán ĐVHD hay các sản phẩm từ ĐVHD như ngà voi, da hổ, vảy tê tê, móng gấu...
Trước đó, ngày 29/2/2020, Tòa án nhân dân huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức T (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) 36 tháng tù giam về hành vi vận chuyển trái phép 1 bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa (Ursus thibetanus). Cơ quan chức năng đã lần theo thông tin rao bán rượu ngâm chi gấu trên tài khoản Facebook của vợ bị cáo, tiến hành theo dõi và bắt giữ đối tượng khi đang vận chuyển bình rượu này đi bán cho khách hàng.
Một đối tượng khác ở Hà Nội là Phạm Thị V cũng đã bị tuyên phạt 12 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép một bình rượu ngâm một cá thể gấu ngựa con. Đối tượng khai nhận đã mua bình rượu ngâm 1 cá thể gấu con từ một đối tượng buôn bán qua mạng khác với giá 10.500.000 đồng và đăng bán lại trên mạng Internet với giá chênh lệch 500.000 đồng.
Chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ ĐVHD của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo ĐVHD trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác. Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020 với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30/4/2020.
Với sự vào cuộc và giám sát từ cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại điện tử trên Internet cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, Internet đã không còn là “khu vực an toàn” để các đối tượng lợi dụng che dấu hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD của mình.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Buôn bán ĐVHD dù là trên Internet cũng đã không còn an toàn, ENV cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy và tích cực hành động để đẩy lùi tội phạm về ĐVHD trên Internet nói riêng và xóa bỏ hoàn toàn tội phạm về ĐVHD khỏi xã hội nói chung”.