Hãng thông tấn UNIAN (Ukraine) dẫn lời nhà ngoại giao Pavlo Klimkin, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, cho rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm quan trọng tới Ukraine (bắt đầu từ ngày 23/8), đánh dấu chuyến công du đầu tiên của ông tới quốc gia này kể từ khi xung đột nổ ra. Đây là một sự kiện mang tính biểu tượng và có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong bối cảnh giao tranh Nga - Ukraine hiện nay.
Điều đặc biệt là chuyến thăm bắt đầu ngay trước Ngày Quốc khánh của Ukraine (24/8), một thời điểm có ý nghĩa biểu tượng to lớn đối với người dân Ukraine, đồng thời mang nhiều hàm ý chính trị và ngoại giao. Sự kiện này có thể đánh dấu một bước chuyển biến trong quan hệ Ấn Độ - Ukraine và định hướng tương lai của Ấn Độ trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện tại.
Trong thời gian gần đây, Ukraine đã công khai chỉ trích chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi vào tháng 7/2024, đặc biệt là khi cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều thành phố Ukraine, bao gồm cả việc phá hủy một bệnh viện nhi quan trọng. Trong bối cảnh ngoại giao phức tạp, việc ông Modi thăm Ukraine là một cơ hội để Thủ tướng Ấn Độ làm rõ quan điểm của mình, cũng như để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trực tiếp bày tỏ những lo ngại của Kiev về quan hệ giữa Ấn Độ và Nga.
Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ còn có tầm quan trọng đặc biệt vì Ấn Độ không chỉ là một quốc gia lớn về quy mô và tầm ảnh hưởng mà còn là nhân tố toàn cầu có lập trường riêng trong nhiều vấn đề quốc tế. Ấn Độ luôn tìm cách duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc, không đứng về bất kỳ cực nào trê thế giới. Điều này thể hiện qua sự tham gia tích cực của Ấn Độ trên các diễn đàn quốc tế như BRICS, nơi họ có thể thể hiện rõ ảnh hưởng của mình.
Sự hiện diện của Thủ tướng Modi tại Ukraine cũng cho thấy sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc tiếp xúc và đàm phán với tất cả các bên liên quan, không giới hạn ở một quốc gia hay một phe phái nào. Điều này gửi đi thông điệp rằng Ấn Độ đủ lớn mạnh để có tiếng nói riêng và không ngần ngại giao tiếp với cả phương Tây lẫn các quốc gia ngoài phương Tây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ấn Độ sẽ ngay lập tức chuyển hướng sang ủng hộ Ukraine, mà thay vào đó, họ sẽ tiếp cận với tinh thần cân nhắc và thận trọng.
Một trong những thách thức lớn đối với Ukraine là việc thay đổi lập trường của Ấn Độ trong quan hệ với Nga. Ấn Độ hiện đang là một trong những đối tác quan trọng của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, khi họ mua một lượng lớn dầu thô từ Nga với giá chiết khấu và sau đó xuất khẩu lại dưới dạng xăng dầu. Tuy nhiên, thông qua việc xây dựng mối quan hệ trực tiếp với Thủ tướng Modi, Ukraine có thể tìm cách tác động để Ấn Độ dần thay đổi lập trường, hoặc ít nhất là điều chỉnh các chính sách có lợi cho Ukraine.
Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Ukraine tiềm năng mở ra những cơ hội mới cho mối quan hệ song phương, từ việc thiết lập các mối quan hệ chính trị bền chặt đến việc Ấn Độ có thể tham gia tích cực hơn vào các diễn đàn quốc tế "có lợi" cho Ukraine. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy các khoản đầu tư từ doanh nghiệp Ấn Độ vào Ukraine, giúp hỗ trợ ổn định tình hình trong thời gian giao tranh và đóng góp vào quá trình tái thiết quốc gia sau xung đột.
Nhà ngoại giao Klimkin cho rằng dù không thể mong đợi sự thay đổi nhanh chóng trong quan điểm của Ấn Độ, nhưng chuyến thăm này có thể là một bước đầu tiên quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia. Ấn Độ, dù có vị thế độc lập trong quan hệ quốc tế, vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine trên con đường tìm kiếm hòa bình và tái thiết đất nước.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS (Nga), nhiều nhà phân tích tại Ấn Độ nhận định rằng chuyến thăm Kiev lần này của Thủ tướng Modi là một bước đi chiến lược nhằm cải thiện hình ảnh của ông trước phương Tây. Hình ảnh của ông Modi đã phần nào bị ảnh hưởng sau chuyến thăm Moskva và các cuộc gặp thân mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin, do đó, việc thể hiện sự quan tâm đến Ukraine có thể giúp New Delhi củng cố mối quan hệ với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trong bối cảnh Ấn Độ đang ngày càng tăng cường hợp tác với Washington, việc giữ mối quan hệ cân bằng giữa Nga và phương Tây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tatyana Shaumyan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định rằng mục tiêu của ông Modi không chỉ là ghi dấu ấn tại Ấn Độ mà còn trên trường quốc tế. Thủ tướng Modi có thể không phản đối việc đóng vai trò trung gian trong vấn đề Ukraine, nhưng ông nhận ra rằng Ấn Độ không phải là quốc gia đầu tiên đảm nhận vai trò này.
Trước đó, Trung Quốc và Mỹ đã có những bước đi quan trọng trong việc làm trung gian. Vì vậy, nhiệm vụ của ông Modi trong chuyến thăm này có phần khiêm tốn hơn: đó là cho Đức và các nước châu Âu thấy rằng Ấn Độ quan tâm đến lập trường của họ về Ukraine. Châu Âu, nơi có cộng đồng người Ấn Độ đông đảo, là một đối tác thương mại lớn của Ấn Độ. Hơn nữa, chuyến thăm Kiev lần này cũng sẽ giúp củng cố hình ảnh của Thủ tướng Modi trước người dân Ấn Độ như một chính trị gia có kinh nghiệm.