Xuất hiện ‘gáo nước lạnh’ mới với giá dầu thế giới

Tưởng rằng giá dầu có thể tăng sau khi các nước sản xuất dầu đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng một số thông tin mới xuất hiện đã khiến hi vọng giá dầu tăng bền vững trong thời gian tới dường như bị dội một “gáo nước lạnh”.

Giếng dầu trữ lượng “khủng”


Mới đây, một giếng dầu khổng lồ ước tính trữ lượng chừng 1,2 tỷ thùng đã được phát hiện ở Alaska, Mỹ. Đây là giếng dầu lớn nhất được phát hiện trên bờ ở Mỹ trong 30 năm qua.

Giếng dầu trữ lượng 1,2 tỷ thùng vừa được phát hiện ở Alaska.

Khu vực có trữ lượng dầu khổng lồ nằm ở vùng North Slope thuộc Alaska, từng được coi là một bể dầu cũ.


Nguồn dầu này nằm trong một giếng tên là Horseshoe mà công ty tư nhân Mỹ Armstrong Energy đóng ở Denver sở hữu 75%, số còn lại do tập đoàn Tây Ban Nha Repsol sở hữu.


Sau khi thông báo phát hiện trên, tập đoàn Repsol và Armstrong Energy dự báo có thể bắt đầu sản xuất dầu ngay từ năm 2021 và có thể cho ra thị trường sản lượng 120.000 thùng/ngày.


Tất nhiên, thông tin về giếng dầu khổng lồ này sẽ làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư về lượng dầu thừa mứa kéo dài ở Mỹ. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến đang chuẩn bị tăng sản lượng sau khi sống sót qua hai năm chiến tranh giá dầu với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).


Dầu tràn kho, giá sẽ giảm sâu


Hôm 14/3, giá dầu sụt giảm sau khi OPEC cho biết trữ lượng dầu thô toàn cầu tăng và sản lượng dầu của thành viên lớn nhất Saudi Arabia bất ngờ tăng vọt. Thông tin này đã gây sức ép lên giá dầu, gần như xóa sạch mọi nỗ lực tăng giá dầu của OPEC sau khi thông báo cắt giảm sản lượng hồi tháng 11/2016.


Mực dù OPEC đã điều chỉnh tăng đối với triển vọng mức cầu toàn cầu nhưng sản lượng dầu của Saudi Arabia dù chỉ lên một chút thôi cũng đủ làm các nhà đầu tư xôn xao, hoang mang. Với thông tin về giếng dầu mới ở Alaska, chắc chắn sự hoang mang này sẽ còn kéo dài.


Giá dầu thô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2016, ngày trước khi OPEC cắt giảm sản lượng. Giá dầu Brent ở mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2016.


Giá dầu Brent LCOc1 giao sau giảm xuống dưới mức trung bình 200 ngày lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11. Trong phiên giao dịch ngày 14/3 tại Mỹ, giá dầu Brent giảm 43 xu, còn 50,92 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 68 xu, giao dịch ở 47,72 USD/thùng sau khi giảm một mạch 7 ngày liên tiếp. Đây là chuỗi ngày giảm giá dài nhất của giá dầu từ tháng 1/2016. Giá dầu đã giảm gần 11% giá trị từ 3/3.


Trên các biểu đồ kỹ thuật, dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ WTI đã bị bán vượt lượng dự trữ trong ngày thứ năm liên tiếp, chuỗi ngày dài nhất từ tháng 11/2016.


Các nguồn tin cho biết sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng 2 giảm xuống 9,797 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Saudi Arabia lại cho biết sản lượng tăng lên 10,011 triệu thùng/ngày.


Nhằm trấn an thị trường, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho rằng sự chênh lệch trên là do các yếu tố hoạt động bị ảnh hưởng khi điều chỉnh lượng dự trữ và sai số giữa các tháng với nhau.


Báo cáo tháng của OPEC cho biết dự trữ dầu ở các quốc gia công nghiệp trong tháng 1 tăng lên 278 triệu thùng, trên mức trung bình 5 năm, trong đó nguồn cung dầu đá phiến Mỹ và dầu của các thành viên ngoài OPEC đều tăng.


Nhà phân tích năng lượng cấp cao Abhishek Kumar ở London nhận định: “Giá dầu đã chịu áp lực mới sau báo cáo mới nhất của OPEC cho thấy dự trữ dầu thô toàn cầu tăng bất chấp việc tổ chức này quyết định giảm sản lượng”.


Số liệu tuần này cho thấy dự trữ dầu của Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng sau đợt tăng mạnh hơn dự báo hồi tuần trước. Nếu vậy, tuần này sẽ là tuần thứ 10 liên tiếp dự trữ dầu của Mỹ tăng, có thể vượt cả mức tăng kỷ lục 1,22 tỷ thùng trong tuần kết thúc ngày 3/3.


Áp lực với OPEC


Theo tờ Financial Times, việc các nước Bắc Mỹ tăng cường sản xuất dầu, đặc biệt là khi Mỹ có thêm giếng dầu khủng ở Alaska, đang đặt ra đe dọa nghiêm trọng cho OPEC.


OPEC đã thành công trong đẩy giá dầu lên sau khi giảm sản lượng cuối năm 2016, làm lợi cho cả những nhà sản xuất dầu ngoài khối như Nga.


Tuy nhiên, sau khi tăng lúc đầu hồi tháng 12/2016, giá dầu chỉ lừng khừng ở mức trên 50 USD/thùng trong hai tháng đầu năm 2017 cho dù có dấu hiệu cho thấy OPEC đang sắp điều chỉnh giảm sản lượng đúng mục tiêu.


Tới đây, OPEC sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn các quyết định về sản lượng trong cuộc họp ngày 25/5. Một là, OPEC có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng như hiện nay – động thái mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ giúp kho dự trữ dầu bắt đầu giảm trong nửa sau năm 2017.


Hai là, OPEC có thể nhất trí cắt giảm sâu hơn để kích giá dầu thêm, đồng nghĩa với việc chấp nhập từ bỏ thêm thị phần cho các nước khác.


Ba là, OPEC cũng có thể từ bỏ nỗ lực quản lý thị trường và xoay sang một cuộc chiến giá tổng lực.


Trong khi đó, kênh CNBC dẫn nhận định của bà Kate Richard, Tổng giám đốc công ty đầu tư năng lượng Warwick Energy: Rủi ro lớn nhất với thị trường dầu năm 2017 chính là cuộc chiến về thị phần giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.


Bà Richard phân tích: “Những gì OPEC thể hiện cho thấy tổ chức này rõ ràng không thể chịu nổi dầu giá từ 40 đến 50 USD, trong khi các nhà sản xuất Mỹ trong hai năm qua đã trở nên ngày một hiệu quả hơn”. Trong khi OPEC chật vật thì các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể kiếm lời tốt với mức giá 40 đến 50 USD/thùng.


Tóm lại, trong bối cảnh giá dầu "lừng khừng" như hiện nay và các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ tăng sản lượng, OPEC sẽ không dễ khi quyết định lựa chọn một trong ba khả năng trên.


Thùy Dương (Tin Tức/TTXVN)
Kho dầu dự trữ Mỹ cao kỷ lục đẩy giá dầu thế giới đi xuống
Kho dầu dự trữ Mỹ cao kỷ lục đẩy giá dầu thế giới đi xuống

Trong phiên giao dịch ngày 1/3, giá dầu thế giới giảm nhẹ do lượng dầu dự trữ của Mỹ đạt mức cao kỷ lục đã phần nào lấn át những đồn đoán rằng thị trường dầu sẽ tái cân bằng trước những dấu hiệu cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN