Vì sao Mỹ vẫn xuất khẩu mạnh dầu diesel dù trong nước khan hiếm

Mỹ hiện đang đối phó với tình trạng thiếu dầu diesel, và thực tế đó khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao họ vẫn xuất khẩu loại nhiên liệu này.

Chú thích ảnh
Câu trả lời cuối cùng là hoạt động xuất khẩu dầu diesel được quyết định bởi yếu tố kinh tế, khi các công ty có thể bán sản phẩm của họ với giá cao hơn ở nước ngoài.

Ngay cả khi nước Mỹ vật lộn với một trong những đợt thiếu hụt dầu diesel tồi tệ nhất từng được ghi nhận, các công ty của nước này vẫn xuất khẩu hơn một triệu thùng sản phẩm dầu chưng cất mỗi ngày.

Đó không phải là một diễn biến mới. Các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu hơn một triệu thùng dầu diesel mỗi ngày trong khoảng một thập kỷ qua. Nhưng câu hỏi là tại sao hoạt động đó vẫn diễn ra vào thời điểm khó khăn này.

Câu trả lời ngắn gọn và đơn giản là các công ty đang làm điều đó bởi vì họ có thể, và bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn khi bán sản phẩm ra nước ngoài thay vì bán ở Mỹ. Người tiêu dùng có thể phàn nàn, nhưng những công ty này đang cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể, và điều đó có nghĩa là họ sẽ bán sản phẩm cho những người trả giá cao nhất.

Một nhà máy lọc dầu bên bờ biển vịnh Mexico của Mỹ muốn vận chuyển các sản phẩm chưng cất đến Bờ Đông phải tuân theo Đạo luật Jones - đạo luật yêu cầu bất kỳ hàng hóa nào được vận chuyển giữa các cảng trong nước phải được vận chuyển bởi các tàu của Mỹ, với thủy thủ đoàn người Mỹ. Điều này có thể làm tăng chi phí và khiến cho việc xuất khẩu sang châu Âu hoặc Nam Mỹ của nhà máy lọc dầu đó trở nên tiết kiệm hơn.

Một điểm quan trọng khác là đôi khi các sản phẩm chưng cất được xuất khẩu vì không đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ. Ví dụ, vào năm 2006, Cục Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA) bắt đầu áp dụng nhiều quy định hơn để giảm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu diesel xuống 15 phần triệu (PPM). Điều này đòi hỏi các nhà máy lọc dầu phải đầu tư tốn kém để tuân thủ, nhưng một số nhà máy lọc dầu đã quyết định tiếp tục sản xuất dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao và xuất khẩu sang các nước có quy định ít nghiêm ngặt hơn. Thực tế đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và là lý do giải thích cho hoạt động xuất khẩu.

Cuối cùng là quyết định kinh doanh của mỗi công ty, mặc dù có thể hiểu rằng người tiêu dùng sẽ khó chịu trước những quyết định như vậy.

Chú thích ảnh
Hai yếu tố làm tăng lượng dầu diesel được xuất khẩu là các quy định vận chuyển (đặc biệt là Đạo luật Jone) và các quy định về môi trường (thúc đẩy bán loại dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp).

Một câu hỏi rõ ràng khác là tại sao chính phủ Mỹ không cấm các công ty xuất khẩu nhiên liệu trong thời kỳ khủng hoảng nhiên liệu? Đó là một vấn đề mang tính chính trị. Cuộc khủng hoảng liệu có được xoa dịu nếu một lệnh cấm như vậy được đưa ra? Thật khó để tranh luận rằng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng nó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở những nơi khác.

Châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhiên liệu do tình hình ở Ukraine. Họ đang dựa vào hàng xuất khẩu của Mỹ để giúp giảm bớt gánh nặng nhiên liệu khi bước vào mùa Đông.

Một người tiêu dùng Mỹ có thể nói rằng đây không phải là vấn đề của chúng tôi, nhưng điều này không được thực hiện vì những lý do nhân đạo. Một số quốc gia ở trong tình trạng thiếu thốn tệ hơn Mỹ về nguồn cung cấp nhiên liệu và họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được hàng hóa.

Đó là những lý do giải thích tại sao các công ty Mỹ vẫn đang xuất khẩu dầu diesel giữa bối cảnh khan hiếm trong nước.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Oilprice)
Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa tiếp tục đón nhận tin vui, tiến sát mục tiêu kiểm soát Hạ viện
Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa tiếp tục đón nhận tin vui, tiến sát mục tiêu kiểm soát Hạ viện

Ngày 14/11, đảng Cộng hòa tiếp tục đón nhận tin vui trong cuộc đua kiểm soát Hạ viện Mỹ khi kết quả mới nhất do hãng tin AP công bố cho thấy hai ứng cử viên của đảng này giành chiến thắng tại hai khu vực bầu cử ở thành phố Los Angeles, bang California.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN