Về khả năng tạo bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Iran

Chính quyền Obama đang tiến sát đến các cuộc hội đàm trực tiếp, cấp cao với chính quyền mới tại Tehran, với việc Ngoại trưởng John Kerry dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp Iran tuần này, cùng với đó là việc Nhà Trắng tính toán những điểm được-mất nếu thực hiện cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Hasan Rouhani.

Cuộc gặp bước ngoặt?


Cuộc gặp Obama-Rouhani bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) nếu được thực hiện sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Iran trong hơn 30 năm qua.

Các cố vấn của ông Obama nói rằng, một cuộc gặp như vậy vẫn chưa có trong lịch trình, nhưng cũng cho biết Mỹ sẽ tìm cách tận dụng mọi cơ hội ngoại giao xuất hiện tại New York, không bỏ lỡ cuộc gặp Obama-Rouhani nếu thời cơ xuất hiện.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, “Đối với một mối quan hệ, một vấn đề quan trọng như thế này, tôi không nghĩ rằng có điều gì đó xảy ra hoàn toàn tình cờ”.

Tổng thống Mỹ Obama (phải) và người đồng cấp Iran Rouhani. Ảnh: Internet


Với việc ông Rouhani, một giáo sĩ ôn hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Iran hồi vừa qua, đã có những đồn đoán về một bước tiến trong vấn đề tồn đọng giữa Mỹ và Iran – chương trình hạt nhân của Tehran. Đặc biệt là khi Tổng thống Iran cho biết ông “có đủ quyền hành” trong các cuộc đàm phán hạt nhân.

Nếu điều này là sự thật, nó sẽ là sự thay đổi mang tính bước ngoặt so với các chính phủ trước, cũng như mối quan hệ giữa Tổng thống với lãnh đạo tinh thần tối cao Iran – giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.

Giới chức Mỹ nhìn nhận, sự thay đổi trong giọng điệu của Tehran xuất phát từ những căng thẳng trong dân chúng, khi mà nền kinh tế nước này tụt dốc, dưới tác động của các lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Iran có sẵn sàng có các bước đi theo đúng ý định của Mỹ để dỡ bỏ các lệnh cấm này không - nhất là việc dừng làm giàu uranium và đóng cửa cơ sở hạt nhân ngầm Fordo.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/9 cho biết, ông Kerry sẽ tìm kiếm câu trả lời cho những điều còn chưa rõ trên vào thứ Năm tuần này, khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tham dự cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (5 nước thường trực HĐBA LHQ và Đức). Đây sẽ là lần đầu tiên sau 6 năm 2 ngoại trưởng Mỹ, Iran cùng ngồi với nhau, tuy không biết là hai bên có các cuộc gặp riêng hay không.

Cùng ngày, sau cuộc gặp với ông Zarif , bà Catherine Ashton, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ, bà nhìn thấy “động lực và quyết tâm” của Iran trong các cuộc đàm phán tới đây giữa nước này với nhóm P5+1. Còn trên mạng xã hội Twitter, ông Zarif, người từng được đào tạo tại Mỹ, nhìn nhận: Cuộc gặp trên là tích cực và nhấn mạnh “cần có sự khởi đầu mới trong những hoàn cảnh mới”.

Cuộc gặp song phương giữa ông Kerry và Zarif được xem là yếu tố quyết định liệu hai Tổng thống Mỹ và Iran có tiếp xúc cấp cao tại New York hay không. Cơ hội rõ ràng nhất cho một sự kiện như vậy là khi các nhà lãnh đạo quốc gia dùng bữa trưa ngày 1/10, mà cả ông Obama và Rouhani xác nhận là sẽ dự.

Tuy nhiên, “cuộc gặp bữa trưa” này sẽ đặt Obama vào vị thế bất lợi hơn, khi ông không hiểu được nhà lãnh đạo Iran sẽ nói gì trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. Theo lịch, ông Rouhani sẽ phát biểu vào cuối giờ chiều, trong khi ông Obama lại phát biểu trong phiên buổi sáng ngày thứ Ba.

Dư luận nói gì?

Dư luận tại Mỹ và Iran trước các sự kiện này dường như trái ngược nhau. Ngày 23/9, Iran cho biết, nước này sẽ phóng thích 80 tù nhân chính trị. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Rouhani lên đường tới New York tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 - nơi ông được dự đoán sẽ kêu gọi phương Tây nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ trong suốt thời gian vừa qua.


Tại Mỹ, các nghị sĩ thúc giục Tổng thống Obama tái khẳng định tại LHQ rằng, bất chấp các động thái tích cực gần đây từ ông Rouhani, Mỹ sẽ không chấp thuận một Iran có tiềm lực hạt nhân.

Trong 2 bức thư riêng được gửi tới người đứng đầu Nhà Trắng, 2 nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhấn mạnh Mỹ cần tiếp tục các lệnh cấm vận nhằm vào chính quyền Tehran. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer viết, “đây không phải là thời điểm để nới lỏng sức ép”, còn ông John McCain thì đề nghị rằng, “việc gỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ phải căn cứ vào tiến trình Iran ngừng chương trình hạt nhân. Nếu Iran tiếp tục hoặc mở rộng các hoạt động hạt nhân, Mỹ và các nước bạn bè, đồng minh cần áp đặt nhiều lệnh cấm vận hơn nữa”.

Suzanne Maloney, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhìn nhận, ông Obama cần cẩn trọng trước khi đưa ra một cử chỉ ngoại giao quyết liệt khi chưa hiểu những dự định của người đồng cấp Iran là gì.

Còn Anthony Cordesman, một chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Mỹ thì cho rằng, cuộc gặp Obama - Rouhani có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với Mỹ, nhưng đồng thời ông cũng hối thúc Nhà Trắng xem xét chuyển tải các thông điệp tích cực đến những người Iran ôn hòa, nếu Obama muốn chìa tay hợp tác với tân Tổng thống Iran.


HT (AP)

Iran sẽ thể hiện 'bộ mặt thật' tại LHQ
Iran sẽ thể hiện 'bộ mặt thật' tại LHQ

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ sử dụng chuyến thăm tới trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tuần này để giới thiệu "diện mạo thật của Iran", đồng thời tham gia các cuộc đàm phán và hợp tác với phương Tây để chấm dứt những tranh cãi xoay quanh vấn đề hạt nhân của Tehran.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN