Vai trò của Mỹ Latinh trong tiến trình hòa bình ở Côlômbia

Cách đây một tuần, các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ Latinh đồng loạt đưa tin về việc chính phủ Côlômbia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Côlômbia (FARC) đã ký kết thỏa thuận về việc khởi động vòng đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, theo phân tích của nhật báo "El Universal" (Vênêxuêla), một số nước trung gian và các nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Mỹ Latinh đã có những tác động vô cùng quan trọng trong quá trình triển khai các cuộc tiếp xúc bí mật giữa chính phủ và FARC.


 

Trang web của FARC đăng đoạn video cho thấy các du kích FARC hát nhạc rap chào mừng quyết định đàm phán hòa bình hôm 3/9/2012, lời bài hát có câu "Nos vamos para La Habana" (Chúng ta sẽ tới La Habana).

 

Trước tiên phải kể đến vai trò của Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez, người đã cùng lãnh tụ Cuba Fidel Castro tác động để FARC chấp nhận cử Tư lệnh Jaime Parra dẫn đầu nhóm đàm phán của FARC tới La Habana. Rõ ràng việc Tổng thống Chavez và Tổng thống Côlômbia Juan Manuel Santos quyết định nối lại quan hệ ngoại giao hồi năm 2010, ít lâu sau khi ông Santos lên nắm quyền, đã đem lại thành quả. Trong chuyến thăm chớp nhoáng tới La Habana hồi tháng 3/2012, nhà lãnh đạo Côlômbia cũng đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Chavez, trong đó hai bên đã thảo luận một cách cởi mở về các cuộc đàm phán hòa bình với FARC.


Giới phân tích cho rằng tất cả đều phải thừa nhận vai trò vô cùng quan trọng của ông Chavez cho tới thời điểm hiện tại đối với tiến trình hòa bình ở Côlômbia cho dù đó là những đồng minh thân cận hay những người có thái độ thù địch với nhà lãnh đạo cánh tả này. Cựu Thượng nghị sỹ Côlômbia Piedad Cordoba nhấn mạnh từ trước đến nay, Tổng thống Chavez luôn bày tỏ khát khao đóng góp vào quá trình tìm kiếm hòa bình ở Côlômbia và giờ đây là thời điểm mà mọi người sẽ phải nhận ra điều đó. Trong khi đó, cựu Tổng thống Côlômbia Alvaro Uribe, người thường kịch liệt chỉ trích và cáo buộc ông Chavez dung túng FARC, cho rằng nhà lãnh đạo Vênêxuêla đã hợp tác thành công trong việc thiết lập một cuộc đối thoại hòa bình giữa chính phủ Côlômbia và FARC, và điều này sẽ mang lại lợi thế cho ông Chavez trong nỗ lực tái cử Tổng thống ở Vênêxuêla. Trong năm 2011, chính Tổng thống Chavez là người đã tổ chức một cuộc tiếp xúc bí mật giữa chính phủ Côlômbia và FARC ở bang Barinas, quê hương của ông Chavez, mở ra một giai đoạn tích cực hơn hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình chính thức.


Một nhân tố không thể thiếu trong quan hệ giữa chính phủ Côlômbia và FARC cũng được chỉ ra: Đó là Cuba. Mạng phân tích Infolatam cho rằng nếu Cuba đã từng đóng một vai trò quyết định cho việc ra đời của FARC trong những năm 60 của thế kỷ trước thì giờ đây họ sẽ có thể làm điều tương tự đối với việc giải giáp nhóm du kích cánh tả này.


Năm 2011, khi thủ lĩnh FARC lúc bấy giờ là Guillermo León Sáenz, biệt hiệu “Alfonso Cano”, bị chết và Tư lệnh Rodrigo Londono Echeverri, biệt hiệu “Timochenko”, lên thay thế, lãnh tụ Fidel Castro đã cử một phái viên người Côlômbia tới gặp gỡ và kết quả là sau 3 ngày thảo luận, vị thủ lĩnh mới của FARC đã khẳng định mong muốn tiếp tục tìm kiếm sự tiếp cận với chính phủ Côlômbia. Thông điệp này ngay sau đó đã được chuyển tới lãnh tụ Fidel và Chủ tịch Raul Castro. Sau đó, vào tháng 2/2012, Cuba đã trở thành địa điểm diễn ra cuộc gặp bí mật đầu tiên sau nhiều năm giữa Chính phủ Côlômbia và FARC và sẽ tiếp tục là nơi để hai bên tiếp tục tiến hành các vòng đàm phán chính thức sau vòng khai mạc tại Ôxlô (Na Uy) vào ngày 5/10 tới.


Nhà phân tích chính trị người Côlômbia Leon Valencia khẳng định Cuba và Vênêxuêla sẽ đem lại sự cân bằng hơn trong các cuộc đàm phán và vai trò trung gian của hai nước này sẽ giúp FARC tự tin hơn. Trong khi đó, cây bút Salud Hernandez Mora, chuyên gia về các vấn đề của FARC, nhận định rằng đằng sau tất cả tiến trình đối thoại này có hai lý do để giới chóp bu của FARC chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán vào thời điểm này: Căn bệnh ung thư của Tổng thống Chavez và tuổi cao của lãnh tụ Fidel Castro. Nếu hai nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ Latinh này có mệnh hệ gì thì tình thế của FARC và tương lai của tiến trình hòa bình tại Côlômbia có thể sẽ trở nên vô cùng phức tạp.


Ngoài Cuba và Vênêxuêla, một số nước ở Mỹ Latinh như Chilê hay Êcuađo cũng đã có tác động, cho dù là ở mức độ khác, trong quá trình thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ Côlômbia và FARC. Mới đây nhất, theo thông báo của các bên, tiến trình đàm phán sẽ có sự tham gia của Vênêxuêla và Chilê với tư cách là “các nước đồng hành” (quan sát viên), còn Cuba và Na Uy sẽ là các nước bảo trợ. Giới quan sát cho rằng đây là điều hoàn toàn hợp lý bởi vì trong khi Cuba và Vênêxuêla có thể tạo sự tin tưởng cho FARC thì Chilê sẽ là nước sát cánh cùng chính phủ Côlômbia. Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Santos và Tổng thống Chilê Sebastian Pinera đã được khẳng định và chính ông Santos đã trực tiếp mời Chilê tham gia vào tiến trình này.


Trong khi đó, Tổng thống Êcuađo Rafael Correa cũng tỏ ra hết sức thiện chí trong việc đóng góp vào sự tìm kiếm hòa bình ở Côlômbia. Ông Correa hiểu rõ hơn ai hết những tác động của cuộc xung đột vũ trang tại nước láng giềng đối với Êcuađo và chính vì vậy trong một tuyên bố gần đây, ông đã nhấn mạnh: “Bây giờ hoặc không bao giờ, đây là thời điểm mà FARC cần phải tìm kiếm hòa bình với chính phủ”.


Nhật báo "El Universal" kết luận, cuộc đàm phán hòa bình tới đây giữa chính phủ Côlômbia và FARC sẽ là một thử thách không chỉ đối với nước này mà còn cả với cộng đồng Mỹ Latinh. Chắc chắn đây sẽ là một cuộc đối thoại lâu dài và các bên cần phải bình tĩnh, kiên trì, không được quá ảo tưởng nhưng cũng không nên mất đi hy vọng về một nền hòa bình lâu dài ở Côlômbia.

 

Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN