Những diễn biến trong mấy ngày đầu năm mới 2015 cho thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ còn tiếp tục. Sự bất đồng và thái độ cương quyết của từng nước trong nhóm các siêu cường tiếp tục gia tăng và những nỗ lực hòa bình dường như vẫn bị tê liệt.
Khó có thể hy vọng Ukraine sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Ảnh: AFP-TTXVN |
Hòa bình hay chiến tranh? Thống nhất hay chia rẽ? là những câu hỏi đang đặt ra cho quốc gia Đông Âu này. Liệu năm 2015 có mang đến cho Ukraine điều gì mới mẻ hay không?
Ngay cả hy vọng duy nhất là các cuộc thương lượng hòa bình ở Minsk, được khởi động vào tháng 9/2014 giữa Ukraine và quân ly khai, cũng không thiết lập được một lệnh ngừng bắn bền vững ở miền Đông.
Bằng chứng cho thấy tình trạng bế tắc này là vòng thương lượng mới đã không diễn ra trong tuần này tại Minsk như kế hoạch đã được hai bên chấp nhận ban đầu.
Sau khi bị gián đoạn trong 4 tháng, các cuộc thương lượng ở Minsk đã được nối lại cách đây chưa lâu với sự có mặt của các đại diện từ Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhưng chưa đạt được kết quả nào.
Bước tiến rõ rệt duy nhất trong cuộc gặp này là việc ký kết một thỏa thuận trao đổi 222 quân ly khai để đổi lấy 150 người Ukraine. Đây là việc trao đổi tù nhân quan trọng nhất từ khi bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine từ tháng 4/2014.
Theo giới quan sát, việc trao đổi tù nhân này chỉ là một bước đi đầu tiên trên một chặng đường dài đầy chông gai bởi cho đến nay, hai bên vẫn giữ nguyên lập trường trái ngược nhau và kiên quyết không chịu nhượng bộ.
Lực lượng nổi dậy đòi khôi phục việc cung cấp các dịch vụ cho các vùng nằm dưới sự kiểm soát của họ vốn bị Kiev cắt vào giữa tháng 11 vừa qua và thiết lập một "Qui chế đặc biệt" đối với các khu vực Donetsk và Lougansk.
Trong khi đó, Kiev, được phương Tây ủng hộ, đòi hủy bỏ ngay kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua tại miền Đông ly khai. Chính lập trường và những đòi hỏi khác biệt như vậy khiến dư luận có lý khi nói rằng: một cuộc đối thoại giữa "những người điếc" không hứa hẹn mang lại điều gì tốt đẹp trong tương lai.
Trong một động thái làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, nhà cầm quyền Ukraine tuần qua đã bỏ ngoài tai mọi yêu sách của quân ly khai, khi tăng cường các biện pháp bóp nghẹt Crimea, vùng đất được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 vừa qua, nhưng vẫn đang rất phụ thuộc vào Kiev.
Bị cắt điện và các dịch vụ vận tải đường sắt và xe khách, hơn 2,3 triệu người Crimea đã đón lễ Noel trong bóng tối và sự cô lập. Đây rõ ràng là một kế hoạch của Ukraine nhằm gây thêm sức ép với Nga.
Ngoài ra, người ta còn cho rằng những kết quả thương lượng trước đó ở Minsk cũng sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy chừng nào căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn tiếp tục và không loại trừ khả năng những ngày tới có thể phải chứng kiến những diễn biến mới, thổi bùng cuộc khủng hoảng này.
Đó là việc áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống Nga và tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Cho dù vào lúc này Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phản đối một biện pháp như vậy vì không muốn làm cho cuộc khủng hoảng với Nga thêm phức tạp, song nhiều người cho rằng cuối cùng ông Obama vẫn sẽ phải nhượng bộ trước sức ép của phe Cộng hòa hiện chiếm đa số trong Quốc hội lưỡng viện ở Mỹ.
Tuần qua, điện Kremli đã công khai "tuyên chiến" với NATO, công bố cách diễn giải mới học thuyết quân sự của Nga, coi NATO là một "mối đe dọa cơ bản" đối với an ninh của Nga.
Bày tỏ lo ngại trước nguy cơ tấn công của NATO qua ngả biên giới của Nga với Ba Lan và các nước vùng Baltic, học thuyết trên dành cho Nga quyền sử dụng kho vũ khí hạt nhân trong trường hợp có "mối đe dọa đối với sự tồn vong của đất nước".
Chừng nào tình trạng căng thẳng giữa các siêu cường vẫn tiếp tục như hiện nay, mọi hy vọng hòa bình cho Ukraine sẽ lại bị bóp nghẹt từ trong trứng nước. Và như vậy đồng nghĩa với việc trong năm 2015, khó có thể hy vọng Ukraine sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phạm Phú Phúc(Theo tờ "Tin Thế giới")