Trung Quốc vươn tầm chống khủng bố

Với Luật Chống khủng bố mới, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được phép tham gia các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài, tiến thêm một bước trong việc mở rộng phạm vi hoạt động của PLA ở bên ngoài nhằm đóng vai trò toàn cầu.

Sứ mệnh chống khủng bố toàn diện

Từ ngày 1/1/2016, Luật Chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đạo luật này, khái niệm "khủng bố" được định nghĩa là mọi ý kiến hay hành động nhằm mưu đồ chính trị và hệ tư tưởng, thông qua bạo lực, hăm dọa, gây hoang mang trong xã hội, phá hoại an ninh công cộng, xâm phạm quyền và tài sản cá nhân và đe dọa các tổ chức chính phủ và quốc tế. Như vậy, định nghĩa nêu trên đã được mở rộng hơn so với khái niệm đưa ra trong dự thảo hồi tháng 2/2015. Khi đó, Trung Quốc không đề cập đến quyền và tài sản cá nhân cũng như mục đích chính trị và hệ tư tưởng.

Binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Bên cạnh những nội dung vừa đề cập, Luật Chống khủng bố của Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát việc các cá nhân đăng thông tin liên quan tới khủng bố trên các trang mạng xã hội. Luật mới nêu rõ không tổ chức hoặc cá nhân nào được truyền bá hay hư cấu thông tin về các sự kiện khủng bố giả mạo, hoặc cung cấp thông tin về các hoạt động khủng bố một cách quá chi tiết; không được đăng tải các cảnh tượng man rợ, vô nhân đạo trong các cuộc tấn công khủng bố. Khi không được phép, các hãng truyền thông cũng không được đăng tải các thông tin cá nhân của các nhân chứng tại hiện trường, của con tin hay của các quan chức có chức năng giải quyết vụ việc. Đây đều là những điểm mà dư luận bên ngoài, nhất là các nước phương Tây quan tâm chú ý.

Một vấn đề nữa là luật mới cho phép PLA và các lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc được phép thực hiện sứ mệnh chống khủng bố ở nước ngoài nếu được Quân ủy Trung ương Trung Quốc chấp thuận. Giới chức công an và an ninh quốc gia cũng có thể cử người ra nước ngoài tham gia các sứ mệnh chống khủng bố, song cần phải được Quốc vụ viện cho phép, cùng với các thỏa thuận được ký kết với những nước hữu quan. Luật mới cũng quy định các bộ, ngành liên quan có thể hợp tác với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong việc tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, công tác liên lạc về thông tin tình báo và thi hành luật, tất nhiên là cũng phải có sự cho phép của Quốc vụ viện.

Như vậy, sau khi Nhật Bản thông qua Luật An ninh Quốc gia, lần đầu tiên cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Trung Quốc đã làm điều tương tự. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định trong tương lai gần, Trung Quốc chưa thể có sự hiện diện quân sự lớn như những nước Nga, Pháp, Mỹ… tại các “điểm nóng” trên thế giới. Đạo luật mới của Trung Quốc vẫn chủ yếu hướng vào nỗ lực chống khủng bố ở trong nước.

Chuẩn bị cho “đại nhảy vọt” lần hai

Luật Chống khủng bố của Trung Quốc ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và phát triển trên thế giới và là kẻ thù chung của toàn nhân loại. Bản thân Trung Quốc cũng không “miễn nhiễm” trước mối đe dọa này. Tháng 11 vừa qua, một công dân nước này đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát hại sau khi bắt cóc người này và đòi tiền chuộc không được. Ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh cũng phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố, nhất là tại Khu Tự trị Tân Cương. Trước tình hình này, việc kịp thời ban hành luật chống khủng bố được nhìn nhận là hành động rất cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh công cộng, an toàn tính mạng và tài sản của người nhân.

Trung Quốc trước đây chưa từng có một đạo luật riêng về chống khủng bố, dù các điều khoản liên quan đã có trong Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự và Luật Phản ứng Khẩn cấp. Luật Chống khủng bố đã tạo nền tảng pháp lý rõ ràng hơn về thẩm quyền cho các tổ chức, cơ quan của Trung Quốc trong hoạt động chống khủng bố cả ở trong nước và quốc tế. Đáng chú ý là đạo luật này được thông qua sau khi Trung Quốc công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2015 với những nội dung nhấn mạnh chiến lược “chủ động phòng vệ” và thông qua Luật An ninh Quốc gia hồi tháng 7, trong đó yêu cầu tất cả hạ tầng mạng và hệ thống thông tin phải “an toàn và có thể kiểm soát được”.

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang dần tách ra khỏi phương châm “giấu mình chờ thời” trong các vấn đề ngoại giao và quân sự mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra. Bắc Kinh đã từng bước mở rộng phạm vi của các lực lượng vũ trang ra toàn thế giới, tìm cách xây dựng một lực lượng hải quân “biển xanh” có khả năng hoạt động ở các vùng biển xa, bàn giao chiếc tàu sân bay đầu tiên cho hải quân vào năm 2012. Cách đây gần 2 tháng, Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần tại Djibouti, một quốc gia châu Phi, để hỗ trợ cho các đơn vị của mình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các sứ mệnh chống hải tặc trong khu vực.

Các chuyên gia nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc mong muốn xây dựng một khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở cho “đại nhảy vọt” lần thứ hai, trước hết là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc từ định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và chú trọng xuất khẩu sang tăng cường nhu cầu trong nước vì tốc độ tăng trưởng GDP đang chậm lại. Đáng chú ý là bước nhảy vọt này còn bao gồm chuyển hoạt động của PLA hướng ra bên ngoài nhằm đóng vai trò toàn cầu. Với một loạt đạo luật nói trên, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong việc thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” bằng cách thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hành động mạnh tay hơn của Bắc Kinh ở cả trong và ngoài nước đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Bạch Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN