Trung Quốc trước ngưỡng cửa thời đại mới

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đại hội đã đề ra đường hướng cũng như lộ trình cụ thể cho những quy hoạch chiến lược trong vòng 30 năm tới của Trung Quốc.

Sự ra đời của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” là điểm nhấn và kết quả nổi bật của Đại hội. Việc triển khai cụ thể Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trả lời một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề cơ bản như mục tiêu mới, sứ mệnh mới cũng như mâu thuẫn mới mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt.

Có thể nói Tư tưởng Tập Cận Bình là sự phát triển vượt bậc của việc Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx cũng như hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đây là sự khái quát mới nhất và là thành quả mới nhất về sáng tạo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ Đại hội XVIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, phía trước) tại phiên bế mạc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 24/10. Ảnh: THX/TTXVN

Khái niệm “thời đại mới” trong Tư tưởng Tập Cận Bình là giai đoạn đưa Trung Quốc hùng mạnh trở lại và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đặc trưng cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản là lãnh đạo chính trị tối cao tại Trung Quốc; là lực lượng nòng cốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng và cải cách của Trung Quốc. Trong khi đó, quần chúng nhân dân là trung tâm, là cội nguồn sức mạnh để thực hiện công cuộc đó. Tư tưởng Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Quân Giải phóng nhân dân (PLA) và các lực lượng vũ trang khác.

Trung Quốc sẽ hướng tới thực hiện “hai mục tiêu 100 năm” để kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 và 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa vào năm 2049. Trên cơ sở xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, Trung Quốc sẽ thực hiện hai giai đoạn 15 năm (2035 và 2050) để xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.

Dư luận nhiều nước nhìn chung đánh giá cao tính ưu việt của mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cũng như thừa nhận vai trò lãnh đạo duy nhất hiệu quả của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là động lực giúp các nước thêm tin tưởng hơn vào tính hiệu quả của mô hình kết hợp giữa kiểm soát chính trị chặt chẽ với duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sáng tạo công nghệ. 

Có thể nói đặc điểm nổi bật nhất trong quá trình phát triển của Trung Quốc trong 5 năm qua chính là đi sâu cải cách toàn diện. Tuy nhiên, quá trình cải cách của Trung Quốc vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như sự phát triển không đồng đều, không hài hòa, không bền vững; cuộc chiến chống tham nhũng còn nhiều cam go; nhiều vấn đề liên quan tới lợi ích thiết thân của người dân như ô nhiễm môi trường, tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, nợ công cao,… vẫn chưa được giải quyết. Chính vì thế, tín hiệu mạnh mẽ từ Đại hội XIX là trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện, từ chính trị, kinh tế cho tới đối ngoại.

Nghị quyết Đại hội XIX nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nỗ lực toàn diện nhằm đảm bảo việc duy trì cuộc chiến chống tham nhũng, từng được coi là mối đe dọa lớn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt. Cuộc chiến mạnh mẽ chống tham nhũng do Tổng Bí thư Tập Cận Bình phát động trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm qua đã mang lại kết quả rõ rệt, làm gia tăng uy tín của đảng và củng cố niềm tin của nhân dân. Vì thế, việc kiên trì nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng lan rộng, việc thiết lập cơ chế thương mại đa phương gặp nhiều khó khăn, xu thế toàn cầu hóa kinh tế gặp những trở ngại nhất định, Trung Quốc chủ trương tiếp tục mở cửa về kinh tế, nỗ lực tham gia công việc quản trị kinh tế toàn cầu thông qua  các cơ chế đa phương cũng như sáng kiến khu vực và quốc tế như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Ngân hàng cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB),… Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định trung bình 6,9%/năm và dự kiến đạt 6,8% cả năm 2017, vẫn được coi là động lực của sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “giấu mình chờ thời” mà ngày càng trở nên chủ động hơn. Bắc Kinh cho rằng vào thời điểm hiện tại, họ đã có đủ tiềm lực kinh tế để thúc đẩy một chính sách đối ngoại tham vọng hơn nhằm hiện thực hóa “giấc mơ Trung Quốc”, phục hưng dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc đã phát động nhiều sáng kiến tại châu Á-Thái Bình Dương và đã gia tăng ảnh hưởng tại một số khu vực, trong đó có châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Trung Quốc cũng đã đưa ra một số khái niệm về chính sách đối ngoại mới như sáng kiến “Vành đai và con đường” hay “Cộng đồng chung vận mệnh”, “Quan hệ quốc tế kiểu mới”, và đang quảng bá những khái niệm này nhằm khẳng định đó là những khái niệm có thể chi phối khu vực và quốc tế.

Sáng kiến “Vành đai và con đường”, do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2013, có thể coi là một bước tiếp nối của chính sách “đi ra ngoài” được triển khai vào giai đoạn cuối thập niên 90 với mục tiêu quốc tế hóa các doanh nghiệp Trung Quốc và là một dấu hiệu nữa của xu hướng tập trung phát triển kinh tế trong nước nhằm định hình vị thế quốc tế của Trung Quốc. Trong thời gian tới, sáng kiến “Vành đai và con đường” sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đứng trước không ít thách thức trong việc giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu như chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, những tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, việc xử lý mối quan hệ phức tạp Trung - Mỹ vốn được coi là trục quan hệ chính trên bàn cờ chính trị quốc tế,... Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần phải thể hiện rõ hơn trách nhiệm của một nước lớn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, chẳng hạn như tiến trình tự do hóa thương mại, an ninh, biến đổi khí hậu,… nhất là trong bối cảnh Mỹ không còn “mặn mà” với những vấn đề này kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

Với những đường hướng được đưa ra tại Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc, với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân lãnh đạo, sẽ đưa Trung Quốc bước vào một thời đại mới với những mục tiêu mới và sách lược mới nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp; đóng góp lớn hơn vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
                                                  
Tuyết Nhung (TTXVN)
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX thúc đẩy đảm bảo sự lãnh đạo của ĐCS
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX thúc đẩy đảm bảo sự lãnh đạo của ĐCS

Ngày 27/10, tại cuộc họp do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã xem xét lại các tài liệu nhằm đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, và thực hiện đầy đủ các quy định về tiết kiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN