Triển vọng nào cho chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin

Ngay trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin, phóng viên TTXVN tại Moskva đã có buổi trao đổi với nhà báo Israel Shamir - chuyên gia phân tích chính trị, quan hệ quốc tế của tờ “Sự thật Komsomol” (tờ báo có lượng độc giả rất lớn tại Nga)

Sau đây là nội dung buổi phỏng vấn thực hiện theo bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và thay đổi, mối quan hệ Nga-Nhật, bao gồm những tranh chấp lãnh thổ lâu năm liên quan quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc rất được dư luận quốc tế quan tâm.

Ông Israel Shamir trả lời phỏng vấn.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hướng đi của Nga và Nhật Bản trong việc tăng cường mối quan hệ và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ?

Như anh đã biết, ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sau 11 năm có chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Sự kiện hết sức thú vị này gây ra cảm giác bất an ở Washington, bởi vì Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai phản đối và yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe không gặp Tổng thống Putin.

Trong Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy, có nhiều người không hài lòng với việc vi phạm lệnh trừng phạt chống Nga, hay nói cách khác các đồng minh thân cận của Nhật Bản đều không hài lòng với Tokyo về việc xích lại gần với Nga.

Bất chấp điều này, Thủ tướng Abe đã nhiều lần gặp Tổng thống Putin và mời ông Putin sang thăm Nhật Bản. Nga luôn luôn có mong muốn gần gũi, cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Nhật Bản là quốc gia không được tự chủ, độc lập hoàn toàn. Nước này chịu sự kiểm soát khá nặng nề từ phía Mỹ.

Trên nhiều vùng lãnh thổ Nhật Bản có các căn cứ quân sự của Mỹ, tàu chiến được trang bị các loại vũ khí tối tân của nước này được neo đậu tải các cảng biển của Nhật Bản. Nói cách khác, rất tiếc đến này Toykyo vẫn không thể hành động như mong muốn.

Tôi nghĩ rằng nếu Nhật Bản là một quốc gia hoàn toàn độc lập thì tất cả những vấn đề còn tồn đọng trong mối quan hệ Nga - Nhật Bản nhanh chóng tìm được giải pháp. Và, những bước đi đầu tiên hiện nay của Thủ tướng Abe là dấu hiệu cho thấy ở Nhật Bản có những lực lượng mong muốn mối quan hệ hữu nghị với Nga.

Tuy nhiên, mong muốn này liệu có trở thành hiện thực hay không hiện hoàn toàn vẫn chưa rõ ràng. Bởi vì, ngay trước chuyến thăm của ông Putin, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố rằng sẽ cho phép Mỹ triển khai các căn cứ quân sự trên quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong trường hợp quần đảo này được trả lại cho Nhật Bản.

Đây là tuyên bố mang tính tính chất khiêu khích rõ ràng, cốt để Nga không tiến hành động thái tương tự. Những người muốn làm điều này, rất đơn giản họ muốn biết liệu có thể đạt được thỏa thuận rõ ràng với Nhật Bản mà nước này không phải rút khỏi hiệp ước với Mỹ. Vấn đề này hiện vẫn chưa rõ.

Nhưng đối với Nga, về mặt nguyên tắc, cảm thấy hài lòng, không đòi hỏi Nhật Bản phải rút khỏi hiệp ước với Mỹ. Tất nhiên, Nga cũng sẽ không trao trả các hòn đảo cho Nhật Bản vì đây là kết quả phân chia khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Tuy nhiên, ngoài việc tranh chấp các hòn đảo, Nga và Nhật Bản có thể mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Có vẻ như các nước đang có xu hướng xích lại gần Nga, ví dụ như cuộc bầu cử Tổng thống ở Bulgaria mới đây hay cuộc bầu cử Mỹ, đều cho kết quả là một vị tổng thống có xu hướng thân Nga. Theo ông, xu hướng đó có tác động như thế nào đến vị thế của Nga cũng như mối quan hệ địa chính trị trong khu vực?


Nước Nga, về nguyên tắc, là một cường quốc nên có thể cùng lúc làm bạn với những quốc gia vố không thân thiện với nhau. Ví dụ, Nga làm bạn với cả Palestin lẫn Israel, với những nước đang ở trong tình trạng xung đột với nhau như Azerbaijan và Armenia, song không đứng về bất cứ bên nào mà sẵn sàng giúp để các bên tìm được tiếng nói chung.


Tại khu vực châu Á cũng vậy, Nga có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, Việt Nam, và nhiều quốc gia khác trong khu vực, song Nga cũng muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á. Chính sách đối ngoại nhất quán của Nga là không liên minh với bất cứ quốc gia nào để chống lại bên thứ ba.

Vì vậy, Quan hệ Nga - Nhật được cải thiện sẽ góp phần tích cực vào củng cố hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. Mặc dù Nga không có ý muốn cạnh tranh vị thế quốc tế của Mỹ, song tôi nghĩ rằng Nga sẽ tích cực hơn trong việc giúp đỡ các quốc gia đang tranh chấp ở Biển Đông tìm được tiếng nói chung, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, quan hệ Nga - Nhật Bản được cải thiện tới mức nào còn phụ thuộc vào chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nếu thực sự, ông Trump đóng cửa các căn cứ quân sự ở Nhật Bản thì tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn.

Khi đó mọi thứ có thể xảy ra, trong đó có cả việc giải quyết tranh chấp xung quanh quần đảo Nam Kuril và những vẫn đề còn tồn đọng giữa hai nước. Tóm lại, có cơ hội mọi thứ thay đổi dưới thời ông Trump, tuy nhiên liệu nó có trở thành hiện thực hay không thì thời gian sẽ trả lời.

Vâng, xin cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn TTXVN!

Tin, ảnh: Dương Trí, Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)
“Lối thoát hẹp” trong quan hệ Nga - Nhật Bản
“Lối thoát hẹp” trong quan hệ Nga - Nhật Bản

“Lối thoát hẹp” mang tên Kuril dường như sẽ được khai thông, không còn đóng vai trò "con tin" kìm hãm mối quan hệ Nga - Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN