Tổng thống Mỹ Trump lặng lẽ thúc đẩy hàng chục 'chính sách lúc nửa đêm'

Trong lúc chưa chịu chấp nhận kết quả bầu cử, Tổng thống Trump đang âm thầm định hình lại các chính sách lớn và khiến tổng thống kế nhiệm khó có thể đảo ngược.

Chú thích ảnh
Những hành động điều hành vào "phút chót" của Tổng thống Trump được cho là sẽ có tác động lâu dài. Ảnh: ABC

Theo ABC News, mặc dù Tổng thống Donald Trump khá ẩn mình trong những tuần cuối cùng tại vị, đằng sau cánh cửa Nhà Trắng, chính quyền của ông đang chạy đua với thời gian để củng cố các di sản, thực hiện những cam kết tranh cử và sửa đổi hàng loạt quy định liên bang có thể khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden mất nhiều năm để đảo ngược.

“Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều điều xảy ra từ nay đến ngày 20/1/2021, rất nhiều điều”, ông Trump cho biết khi xuất hiện tại Phòng Bầu dục vào Lễ Tạ ơn.

Từ chính sách nhập cư cho đến bảo vệ môi trường, chính quyền sắp mãn nhiệm đang lặng lẽ thúc đẩy hoàn thiện tới hơn 30 thay đổi về quy tắc có thể dẫn đến những tác động quan trọng trong nhiều năm.

“Chúng tôi gọi đó là 'những quy định nửa đêm’. Đó là cơ hội cuối cùng để đưa những quy tắc này vào sổ sách trước khi chính quyền Trump chuyển sang chính quyền Biden”, phóng viên điều tra của ProPublica, Isaaac Arnsdorf, bình luận, “Chúng có thể đảo ngược, nhưng không dễ dàng”.

Những “quy định nửa đêm” bao gồm từ miễn trừ tôn giáo cho các nhà thầu liên bang theo các luật phân biệt đối xử về việc làm; nới lỏng các tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả nước với các vòi sen và máy giặt; siết chặt hơn điều kiện nhận phiếu thực phẩm - ngay cả khi hàng triệu người mất việc do đại dịch đang tìm đến chính phủ để được giúp đỡ. 

Chú thích ảnh
Người lao động xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp tại Frankfort, Kentucky, Mỹ ngày 18/6/2020. Ảnh: Reuters/TTXVN

Carol Browner, cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) trong suốt 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Clinton và cũng là cựu thành viên nhóm chuyển tiếp của Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Những ngày cuối cùng của một chính quyền rõ ràng là vô cùng quan trọng và việc muốn hoàn tất nốt công việc là điều đương nhiên. Nhưng bạn không được tự do để làm điều đó thoải mái. Có luật, có khoa học và có quy trình”.

Các chuyên gia cho biết, cho đến nay, số lượng những “quy định nửa đêm” đã ngang bằng với những gì đã xảy ra trong những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Obama. Nhưng một số người ủng hộ chính sách và các nhà quan sát độc lập lo ngại quá trình gấp rút sẽ ảnh hưởng tới tính hợp pháp và an toàn công cộng.

Nhiều trong số những quy định “vào phút chót” tập trung vào chính sách môi trường và khoa học, bao gồm nỗ lực gây tranh cãi nhằm cấm EPA sử dụng bất cứ nghiên cứu khoa học nào không tiết lộ hoàn toàn các dữ liệu thô cơ bản. Những người bảo vệ quy định này gọi đó là một bước tiến tới sự minh bạch, trong khi những người chỉ trích gọi đó là kiểm duyệt. Ví dụ, các nghiên cứu về tác động của ô nhiễm đối với cuộc sống con người thường dựa vào dữ liệu y tế cá nhân nhạy cảm mà bệnh nhân không muốn tiết lộ công khai.

Chú thích ảnh
Bà Carol Browner phát biểu trong cuộc họp báo ở Chicago, phía sau là Tổng thống đắc cử Obama vào tháng 12/2008. Ảnh: AP

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang gấp rút xúc tiến đấu giá quyền khai thác tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực - một động thái bị ông Biden phản đối mạnh mẽ - với mục đích gây khó khăn hơn nhiều cho chính quyền tiếp theo trong việc đảo ngược việc mở rộng phát triển khai thác dầu khí.

Tổng thống cũng đang cố gắng củng cố hơn nữa chính sách cứng rắn với người nhập cư của mình. Trong những tuần cuối cùng tại nhiệm, ông đã bổ sung 8 câu hỏi mới vào bài kiểm tra quốc tịch và tìm cách làm cho lao động nước ngoài tay nghề cao khó xin được visa hơn.

Ali Noorani, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Diễn đàn Nhập cư Quốc gia, một nhóm vận động phi đảng phái, cho rằng: “Trong thời điểm gấp rút trước lễ nhậm chức này, chính quyền đang làm mọi thứ có thể để đưa nhập cư hợp pháp ngày càng sát với mức tối thiểu. Họ đang tăng cường các hành động thực thi và thực sự cố gắng làm mọi cách để hoàn tất và gây khó khăn nhất có thể cho chính quyền ông Biden trong việc thiết lập lại hệ thống nhập cư của đất nước”.

Chú thích ảnh
Màn hình kiểm tra quốc tịch tại Bảo tàng Quốc gia Mỹ Arab ở Dearborn, Michigan. Ảnh: AP

Về chính sách đối ngoại, ông Trump giảm đột ngột và mạnh mẽ quân số Mỹ ở Iraq và Afghanistan, với số quân nhân Mỹ dự kiến ​​ở mỗi nước vào cuối năm nay không quá 2.500. Việc rút quân là một hứa hẹn quan trọng của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, các chuyên gia cho biết động thái muộn này sẽ khiến ông Biden rơi vào tình thế khó khăn khi phải quyết định có nên triển khai lại quân đội sớm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình hay không.

Tổng thống Trump cũng đã thực hiện các bước để chính thức khép lại hiệp ước kéo dài hai thập kỷ mà ông đã chỉ trích từ lâu – với việc rút​​ khỏi "Hiệp ước Bầu trời mở" vào tháng trước, vốn cho phép Mỹ và Nga thực hiện các chuyến bay giám sát lẫn nhau để xây dựng lòng tin. "Nga đã không tuân thủ hiệp ước, vì vậy cho đến khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ rút khỏi", ông Trump tuyên bố hồi tháng Năm.

"Vấn đề là nếu chúng ta không tuân thủ các hiệp ước của chính mình, nếu chúng ta không công nhận và ủng hộ các hiệp ước của chính mình, thì ai trong cộng đồng quốc tế sẽ muốn hợp tác với chúng ta trong tương lai?", Đô đốc Bill McCraven, người đã giám sát cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011, nêu ý kiến phản biện.

Chú thích ảnh
Nhà tù liên bang ở Terre Haute, bang Indiana, ngày 28/8/2020. Ảnh: AP

Theo ABC, một số hành động điều hành cuối cùng của ông Trump sẽ có tác động vĩnh viễn. Chẳng hạn, Bộ Tư pháp hiện đang gấp rút thi hành án tử càng nhiều tử tù liên bang càng tốt trước khi ông Biden có cơ hội áp dụng lại lệnh hoãn thi hành án tử hình.

8 tù nhân liên bang đã bị hành quyết từ đầu năm đến nay - nhiều nhất trong hơn một thế kỷ - với năm người khác dự kiến ​​sẽ bị xử tử trước ngày tân Tổng thống nhậm chức vào 20/1/2021. 

Robert Dunham, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Hình phạt Tử hình độc lập, phi đảng phái cho biết: “Tốc độ của những vụ hành quyết án liên bang này là không có tiền lệ lịch sử".

Chú thích ảnh
Thẩm phán Amy Coney Barrett tuyên thệ nhậm chức với tư cách là thành viên Toà án Tối cao. Ảnh: AP

Ngoài ra, Tổng thống Trump tiếp tục bổ nhiệm số lượng kỷ lục các vị trí trọn đời vào các tòa án liên bang. Gabe Roth, Giám đốc điều hành của Fix the Court, một cơ quan giám sát tư pháp độc lập, nhận xét: “Nói chung một khi một cuộc bầu cử diễn ra, các phê duyệt sẽ dừng lại cho đến Quốc hội tiếp theo. Thật khó để biết chính xác tác động hiện tại mà các thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm này sẽ ra sao, nhưng chúng tôi biết nó sẽ rất lớn, nó sẽ mang tính thế hệ”.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tỉ lệ tín nhiệm ông Biden cao hơn Tổng thống Trump sau bầu cử
Tỉ lệ tín nhiệm ông Biden cao hơn Tổng thống Trump sau bầu cử

Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy Tổng thống đắc cử Joe Biden đã được người Mỹ yêu thích hơn Tổng thống Donald Trump ở bất kỳ thời điểm nào trong hoặc trước nhiệm kỳ của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN