Tổng thống Biden cùng lúc xung đột trên hai mặt trận với Nga và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden đột nhiên cùng lúc vướng vào xung đột gay gắt với cả Trung Quốc và Nga.

Theo kênh CNN, ông Biden đã khiến Nga tức giận khi coi Tổng thống Vladimir Putin là “kẻ giết người”. Còn với Trung Quốc, cuộc đối thoại cấp cao giữa hai bên ở Alaska đã kết thúc rất căng thẳng.

Xung đột với kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần này, trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình kênh ABC, ông Biden đã đồng ý với một nhận định rằng Tổng thống Nga là “kẻ giết người”. CNN coi đây là bình luận phá vỡ quy tắc một cách bất thường khi Nga vẫn là một cường quốc. 

Tổng thống Biden còn cảnh báo nhà lãnh đạo Nga sẽ phải trả giá sau khi tình báo Mỹ kết luận rằng ông Putin đã chỉ đạo nỗ lực giúp cựu Tổng thống Donald Trump và gây hại cho ông Biden trong bầu cử tổng thống năm 2020.

Đáp lại, Tổng thống Putin chúc ông Biden sức khỏe tốt và thách thức ông tranh luận trên sóng trực tiếp.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đáp trả ông Biden khi nói về tuổi tác của ông, gọi ông là tổng thống Mỹ già nhất.

Ông Yuval Weber, thành viên toàn cầu tại Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, cho rằng khi thể hiện sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Tổng thống Putin, ông Biden đang truyền đi thông điệp chính trị nhằm vào đối tượng trong nước. Ông Weber nói: “Tôi cho rằng đây là cách thể hiện sự khác biệt rõ rệt nhất với cựu Tổng thống Trump”. 

Dù tranh cãi gay gắt nhưng cả ông Biden và Putin đều là hai lãnh đạo kinh nghiệm, hoàn toàn ý thức được về các rủi ro chiến lược khi xảy ra đối đầu giữa hai nước lớn.

Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Tổng thống Biden cũng thể hiện quan điểm thực dụng trong chính sách Nga-Mỹ, nói rằng mặc dù sẵn sàng đối đầu với ông Putin nhưng vẫn muốn tìm kiếm các lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung để hợp tác. Ông đề cập tới gia hạn hiệp ước hạt nhân START mới khi nhậm chức được vài tuần.

Trước cuộc xung đột hiện nay, Mỹ đã cáo buộc cơ quan tình báo nước ngoài Nga đứng sau vụ xâm nhập mạng các công ty tư nhân và một số cơ quan chính phủ Mỹ. Mỹ cũng công khai ủng hộ thủ lĩnh đối lập Alexey Navalny và cáo buộc Nga đầu độc ông này. Chính quyền của ông Biden còn phản đối Nga sáp nhập Crimea, cam kết khôi phục sức mạnh liên minh NATO.

Cuộc gặp đầy tranh cãi với Trung Quốc

Chú thích ảnh
Cuộc đối thoại cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ và Trung Quốc ở Alaska, Mỹ ngày 18/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng lúc xung đột với Nga, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng vừa kết thúc cuộc đối thoại căng thẳng theo thể thức 2+2 tại Alaska. 

CNN nhận định các cuộc họp giữa nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện công khai những điều không hài lòng về nhau như ở Alaska. Điều đó cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bảo vệ vị trí đứng đầu toàn cầu.

Hai bên đã có những màn đối đáp, chỉ trích lẫn nhau ngay trước ống kính truyền hình, bỏ qua những nguyên tắc ngoại giao thường thấy ở những cuộc gặp cấp cao như vậy. 

Cuộc đối thoại căng thẳng ngay từ đầu sau khi quan chức Mỹ nói rõ rằng cuộc gặp ngày 18/3 này chỉ để thông báo với Trung Quốc rằng Tổng thống Biden định tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc: công khai cạnh tranh.

Ngoại trưởng Blinken bình luận Bắc Kinh cần phải trở lại với hệ thống dựa trên nền tảng luật lệ, chỉ trích Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tấn công mạng nhằm vào Mỹ cũng như những hành động của Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh, nhưng sẽ sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai cường quốc mà ở đó Mỹ sẽ luôn theo sát những nguyên tắc vì lợi ích của người dân Mỹ và các nước bạn bè, đồng minh. 

Về phần mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đáp lời bằng bài trình bày chỉ trích Mỹ kéo dài, mà riêng việc phiên dịch sau đó phải mất đến 17 phút.

Ông Dương Khiết Trì cáo buộc chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, song vẫn bày tỏ hy vọng hai bên sẽ không xảy ra xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.  

Rủi ro của Mỹ

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo CNN, một bài học về chính sách đối ngoại Mỹ trong những thập kỷ gần đây là những gì được ấp ủ ở Washington thường không thể sống sót trong thế giới thực. Vì thế, kế hoạch của ông Biden có thể gặp một số rủi ro. 

Qua những gì thể hiện ở Alaska, căng thẳng với Trung Quốc có thể xóa tan hy vọng của Mỹ về hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở Scotland năm nay.

Ngoài ra, không có gì đảm bảo đồng minh của Mỹ sẽ đi theo chiến lược của ông Biden. Nhiều nước tỏ ra hoài nghi Mỹ khi trong những thập kỷ gần đây, nước này lúc thì xoay trục về châu Á, lúc lại quay đi chỗ khác. Các nước Liên minh châu Âu cũng không thể hiện rõ có muốn chọn Mỹ hay Trung Quốc hay không. Chỉ biết rằng ngay trước khi ông Biden nhậm chức, EU đã ký thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Viên cảnh sát tưởng mất trong trận sóng thần 2004 vẫn sống sót trong viện tâm thần
Viên cảnh sát tưởng mất trong trận sóng thần 2004 vẫn sống sót trong viện tâm thần

Một sĩ quan cảnh sát được tuyên bố tử vong trong trận sóng thần năm 2004 tại Indonesia gần đây bất ngờ được phát hiện vẫn còn sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN