Đầu tiên, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ những vết nứt trong sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của các nước trên thế giới. Và lúc này, cuộc chiến ở Ukraine lại đang gây bão trên các thị trường hàng hóa. Đây có thể là những tấm biển chỉ dẫn trên con đường phi toàn cầu hóa - điều có thể sẽ định hình lại thế giới của chúng ta.
Chắc chắn bạn đã nghe nói nhiều về toàn cầu hóa. Nhưng còn phi toàn cầu hoá là gì? Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao, thiếu hụt nguồn cung - những thực tế hàng ngày này đều có thể liên quan với một quá trình được gọi là phi toàn cầu hoá.
Một số chuyên gia thậm chí còn coi cuộc chiến ở Ukraine, cùng với đại dịch COVID-19, là sự đánh dấu một bước ngoặt đối với kỷ nguyên phi toàn cầu hóa. Nhưng thế giới mới đó sẽ như thế nào? Dưới đây là những phân tích của tờ DW (Đức):
Toàn cầu hóa và mặt trái
Các chuyên gia thường mô tả ba loại toàn cầu hóa: toàn cầu hóa kinh tế, xã hội và chính trị. Toàn cầu hóa kinh tế là sự hội nhập của nền kinh tế thế giới về mặt thương mại. Quá trình này chắc chắn vấp phải cả những quan điểm ủng hộ và chỉ trích. Phe ủng hộ tuyên bố toàn cầu hóa đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo và nâng cao mức sống.
Tuy nhiên, phần thưởng của toàn cầu hóa kinh tế không được chia đều. Andreas Wirsching, Giáo sư lịch sử tại trường LMU ở Munich, khẳng định: “Trên bình diện quốc tế hay các xã hội công nghiệp hóa, bất bình đẳng gia tăng. Toàn cầu hóa kinh tế đã dẫn đến 'nhiều người chiến thắng, nhưng cũng không ít kẻ thua cuộc' - đó là điều không thể phủ nhận”.
Cora Jungbluth, nhà kinh tế và chuyên gia cao cấp tại Viện Bertelsmann Stiftung ở Đức, chỉ ra những mặt trái của toàn cầu hóa cũng bao gồm các hậu quả xã hội và sinh thái.
Toàn cầu hóa đang thoái trào?
Nếu như toàn cầu hóa phản ánh quá trình gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thì phi toàn cầu hóa đánh dấu sự rút lui khỏi hội nhập kinh tế toàn cầu. Và có những dấu hiệu cho thấy điều này đã xảy ra trong một khoảng thời gian vừa qua.
Một thước đo quan trọng của toàn cầu hóa - tỷ trọng của thương mại trong GDP toàn cầu – đã đạt đỉnh vào năm 2008 khi bắt đầu cuộc suy thoái.
Douglas Irwin, Giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth, Mỹ, giải thích: “Tỷ lệ xuất khẩu /GDP trên toàn thế giới đã tăng khá đáng kể trong thập niên 1990 và 2000. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, tỉ lệ này đi ngang rồi giảm xuống”.
Ông Irwin và các chuyên gia khác lưu ý rằng điều này có liên quan đến chủ nghĩa dân túy và các chính sách kinh tế bảo hộ. Nhưng khi đó vẫn còn có những yếu tố quan trọng khác thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa.
Tuy nhiên sau đó thế giới lại trải qua đại dịch COVID-19. Về mặt kinh tế, cuộc khủng hoảng COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến hậu quả là thiếu hàng hoá, tăng giá, tích trữ…
Megan Greene, một nhà kinh tế học và nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Harvard Kennedy, giải thích: “Đại dịch đã chuyển dịch xu hướng từ sản xuất đúng lúc sang giữ hàng tồn kho”. Bà Greene mô tả hệ thống dự phòng mới này là "chuỗi cung ứng toàn cầu cộng với các kế hoạch dự phòng", để các công ty không bị chao đảo khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rồi tiếp đến là cuộc khủng hoảng Ukraine. Người tiêu dùng hầu khắp thế giới đã cảm nhận được tác động của xung đột tại Ukraine, cùng với các lệnh trừng phạt chống Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và sản phẩm nông nghiệp. Châu Âu cần năng lượng hóa thạch từ Nga trong khi toàn thế giới thì cần các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Ukraine.
Sự gián đoạn xuất khẩu do chiến tranh và các lệnh trừng phạt đang dẫn đến việc tăng giá nhiều mặt hàng. Mặt khác, các lệnh trừng phạt chống lại Nga đang cô lập nền kinh tế lớn này với phần còn lại của thế giới.
Các nhà kinh tế học nhìn thấy ở đây không chỉ là sự tan rã của các thị trường được kết nối với nhau, mà còn là sự không chia sẻ được những tiến bộ mà toàn cầu hóa đã mang lại.
Kết thúc kỷ nguyên toàn cầu hóa?
Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008-2009, tiếp theo là chủ nghĩa bảo hộ bằng thuế quan, tái cấu trúc chuỗi cung ứng do đại dịch, rồi đến sự tan rã của các thị trường hàng hóa liên kết chặt chẽ vì xung đột Ukraine – là những yếu tố khiến ông Petersen kết luận: "Có thể bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một kiểu phi toàn cầu hoá”.
Nhà kinh tế Greene chỉ ra rằng không có chỉ số nào để đo lường toàn cầu hóa, nhưng bà thừa nhận "đỉnh cao của toàn cầu hóa đang ở phía sau chúng ta - tôi có thể nói rằng chúng ta đang thấy toàn cầu hóa tiến triển chậm hơn nhiều so với trước đây, nhưng chúng ta vẫn chưa ở trong lãnh địa của phi toàn cầu hóa”.