Màn đầu tiên trong vở kịch Cyprus (Síp) đã kết thúc. Kết quả sơ bộ như sau: Trên bản đồ tài chính thế giới sẽ biến mất một "điểm đỏ", trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thêm một lò lửa khủng hoảng âm ỉ và uy tín của hệ thống ngân hàng EU bị thiệt hại nghiêm trọng. Chính quyền châu Âu đã tạo tiền lệ xấu, bằng cách đòi phải thông qua quyết định rút vốn của các nhà đầu tư tư nhân để giải quyết vấn đề của một nước.
Biểu tình phản đối gói cứu trợ dành cho Cyprus ở thủ đô Nicosia. |
Giới chuyên viên dự đoán dòng tiền sẽ chạy khỏi không chỉ Cyprus mà còn ở các nền kinh tế khác vì chưa biết nước nào sẽ là trường hợp tiếp theo. Thay cho khoản vay 10 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Nicosia đã đồng ý thay đổi nghiêm túc cấu trúc của Bank of Cyprus, ngân hàng lớn nhất nước này, và đóng cửa Laiki Bank, ngân hàng lớn thứ hai tại Cyprus. Kết quả là những người gửi tiền lớn vào hai ngân hàng này sẽ mất từ 35 - 80% số tiền của họ.
Trong khi Nicosia thảo ra thủ tục cụ thể nhằm “tịch thu” tiền gửi ngân hàng, Síp đã đóng cửa ngân hàng gần 2 tuần. Bằng cách này, chính phủ cố gắng ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt. Song, theo thông tin của các phương tiện truyền thông, trong thời gian gần hai tuần này, hàng trăm triệu euro đã được rút từ Cyprus thông qua chi nhánh của các ngân hàng ở Anh và Nga. Theo ý kiến của chuyên viên Sergei Afontsev từ Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, tiền lệ Cyprus là quả bom nổ chậm khổng lồ.
Năm 2012, khi người dân Hy Lạp có tâm trạng hoảng loạn, người ta vẫn không rút tiền từ ngân hàng. Bởi vì tất cả mọi người đã biết rằng, tiền gửi ngân hàng được giữ an toàn, không ai có thể tịch thu. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đứng vững được. Hiện nay, Cyprus đã tạo tiền lệ tịch thu các khoản tiền gửi ngân hàng. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư không còn quan tâm đến việc gửi tiền vào các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, khi họ biết rằng tiền của họ cũng có thể bị tịch thu hoặc bị đóng băng.
Tất nhiên, hệ thống ngân hàng ở Síp sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng có thể mất vai trò như một trong những ngành đi đầu của nền kinh tế. Điều đó không phục vụ lợi ích của quốc đảo. Hơn nữa, các quan chức EU đã thực hiện một sai lầm nghiêm trọng về chiến thuật. Nếu Nicôxia tự mình thông qua quyết định không được lòng dân thì có lẽ Brúcxen không cần phải chứng minh rằng trường hợp của Cyprus là độc đáo và nguy cơ này không đe dọa các ngân hàng châu Âu khác. Nhưng, chính EU đã khởi xướng và sau đó áp đặt quyết định về tịch thu tiền gửi ngân hàng. Bây giờ các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ vào độ tin cậy của hệ thống ngân hàng.
Rõ ràng, dưới áp lực của Brussels, tiền gửi ngân hàng của các nhà đầu tư tư nhân có thể bị tịch thu. Do đó, người ta sẽ dùng mọi cách để rút tiền không chỉ từ các ngân hàng Síp mà còn từ các quốc gia đang gặp khó khăn tại Eurozone. Điều này có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho lục địa này. Chuyên viên Igor Nikolayev thuộc hãng FBK nói: “Việc rút tiền từ các nền kinh tế gặp khó khăn sẽ làm cho cuộc khủng hoảng lan ra ở châu Âu... Từ nay, cuộc khủng hoảng sẽ không giống trận tuyết lở, nhưng sẽ là nghiêm trọng hơn”.
Qua hồ sơ Cyprus, châu Âu càng lộ rõ những điểm yếu của mình. Tờ Le Nouvel Observateur nhận định: Thỏa thuận đạt được vừa qua giữa chính phủ Cyprus và bộ ba chủ nợ cũng là một loại giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Cyprus. Song, vấn đề là ở chỗ người Cyprus và người ở các nước châu Âu khác cảm thấy sợ hãi: Họ sợ hãi vì họ thiếu thông tin. Tờ báo cho biết, chẳng ai đứng ra giải thích rõ tiến trình đạt được kế hoạch cứu hộ Cyprus, cũng chẳng có ai đứng ra giải thích rõ cái lợi cái hại với người dân Cyprus nói riêng và với người châu Âu nói chung.
TKT