Thông điệp 'không im lặng' vì khí hậu

“Mapa” là một thuật ngữ mới với ý nghĩa “những người và khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu”.

Ngày 25/9 năm nay, “dấu hiệu Mapa” - hai nắm tay đặt cạnh nhau với ngón tay cái giơ lên, tượng trưng cho sức mạnh, đoàn kết và hy vọng - xuất hiện không chỉ trên đường phố mà cả trên những mạng xã hội, khi hàng triệu người hưởng ứng Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu 25/9.

Chú thích ảnh
Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường sống của loài gấu trắng Bắc cực. Trong ảnh: Gấu trắng Bắc Cực tại khu vực đông bắc Vịnh Prudhoe, Alaska, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là một sáng kiến của Fridays for Future - Những ngày thứ Sáu vì tương lai, chiến dịch chống biến đổi khí hậu nổi tiếng do nhà hoạt động người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng.  Thông điệp của Fridays for Future nhân ngày 25/9 nêu rõ: “Khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng. Đây không phải là lúc im lặng.”

Vài năm qua, trên khắp thế giới, thanh thiếu niên được kêu gọi tham gia một chiến dịch toàn cầu nhằm phản đối tình trạng thiếu hành động ngăn chặn cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Mục tiêu của chiến dịch, là đối chiếu tình trạng khắc nghiệt và nguy cơ từ biến đổi khí hậu với thực tế, rằng cộng đồng quốc tế vẫn thiếu nghiêm trọng những cam kết chính trị và hành động cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tháng 9 năm ngoái, hơn 4 triệu người ở 161 quốc gia khác nhau đã tham gia các cuộc tuần hành trong Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu để yêu cầu giới lãnh đạo khẩn trương có hành động cụ thể ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại nhiều nơi, chiến dịch quy mô toàn cầu này được tổ chức trực tuyến. Tại Mỹ, các học sinh của trường cấp 3 Minticello thuộc bang Virginia đã kêu gọi mọi người từ mọi độ tuổi tham gia chiến dịch ngày 25/9, bằng cách thực hiện hành động tại nhà và chia sẻ thông điệp và hành động của họ trên nền tảng số, và sử dụng thẻ #MonticelloGoesGreen để lan toả thông điệp.

Cũng vào ngày này, tại Scotland, thanh thiếu niên tham gia tuần hành biểu dương lực lượng do một nhóm hoạt động mang tên Biểu tình vì khí hậu của thanh niên Scotland tổ chức. Tại Edinburgh, những người tuần hành sẽ tập trung trước Nghị viện Scotland trong khi tại một số thành phố khác đang phải thắt chặt đi lại do đại dịch như Glasgow và Aberdeen, người tham gia sẽ tiến hành tuần hành trực tuyến, chẳng hạn đăng tải lên mạng xã hội ảnh chụp ảnh với các khẩu hiệu và biểu ngữ.

Đưa hoạt động tuần hành, biểu tình vì khí hậu vào thế giới số cũng là hướng đi của tổ chức Biểu tình Thanh niên vì khí hậu Philippines. Hưởng ứng chiến dịch toàn cầu ngày 25/9, tổ chức trên sẽ thực hiện một cuộc họp báo trực tuyến trực tiếp vào ngày 23/9 và tiến hành một cuộc biểu tình trực tuyến hai ngày sau đó. Sinh viên Jefferson Estela, người đồng sáng lập tổ chức, chia sẻ những hoạt động này nhằm mục đích cung cấp “tấm la bàn đạo đức” cho các nhà hoạch định chính sách, những người có khả năng thay đổi luật theo hướng bảo vệ lợi ích cho các thế hệ tương lai. Cũng theo sinh viên này, “nền tảng tiến hành có thể thay đổi nhưng cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu vẫn giữ nguyên tinh thần”.

Hoạt động của Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu 25/9 diễn ra khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 75 tại New York (Mỹ), cảnh báo rằng thế giới đang nóng lên ở mức báo động và rằng khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.

Theo báo báo mới nhất của LHQ, đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Thậm chí, đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo của LHQ cho thấy nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó phải kể đến các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt chưa từng có.  Tác động của biến đổi khí hậu đẩy hàng trăm triệu người tới nguy cơ rơi vào cảnh ngập lụt. Ước tính, số người dân ở những vùng có thể bị ngập úng nước tính tới năm 2050 cũng tăng lên tối đa 3,2 tỷ người, cao hơn nhiều so với mức 1,9 tỷ người được đưa ra trước đó.

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) cho thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu tại châu Á có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. MGI cho biết các quốc gia đang nổi lên ở châu Á (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.

Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8-13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các tác động của hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Ở Indonesia, khả năng xảy ra mưa lớn có thể tăng từ 3-4 lần vào năm 2050. MGI cũng dự báo Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ thiệt hại từ 500 triệu đến 1 tỷ USD do một trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050, đi kèm với đó là chi phí dây chuyền có thể từ 1,5-8,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, nhà hoạt động Greta Thunberg một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng gánh chịu hậu quả như nhau”. Bởi vậy mà hoạt động chống biến đổi khí hậu năm nay tập trung vào việc thúc đẩy những cam kết thực chất nhằm hỗ trợ những đối tượng và khu vực dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, khi mà các cam kết hiện tại theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được cho là không đủ mạnh mẽ để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như mục tiêu đặt ra trong thoả thuận Paris.

Năm nay cũng là kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. LHQ và Anh sẽ đồng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu vào trung tuần tháng 12 tới, quy tụ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đại diện các lĩnh vực tư nhân và các tổ chức để cùng đẩy mạnh quyết tâm và thúc đẩy hành động nhằm tháo gỡ những thách thức khí hậu. Tại hội nghị này, các phái đoàn đại diện chính phủ các nước được yêu cầu đề xuất các kế hoạch về khí hậu chất lượng cao và tham vọng hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhân dịp này công bố chương trình dự kiến cho Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) do Anh đăng cai tại Glasgow vào năm tới.

Chú thích ảnh
Nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg tham gia cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Brussels, Bỉ, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định câu trả lời cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay là các nước phải đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán và tham vọng hơn. Đó cũng là tinh thần của “dấu hiệu Mapa” - tượng trưng cho sức mạnh, đoàn kết và hy vọng. Thông điệp “không im lặng” của thanh thiếu niên trên thế giới trong Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu 25/9 năm nay cũng thể hiện nguyện ước và quyết tâm của giới trẻ cho một tương lai tốt đẹp hơn, bởi như chia sẻ của một sinh viên Mỹ tham gia hoạt động này: “Điều quan trọng là những người trẻ có thể là tiếng nói thay đổi”.

Minh Ngọc (TTXVN)
Tổng thư ký LHQ kêu gọi thế giới hành động ngay ứng phó với biến đổi khí hậu
Tổng thư ký LHQ kêu gọi thế giới hành động ngay ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 24/9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã tổ chức phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu (BĐKH) trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 75 đang diễn ra tại New York.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN