Thời suy tàn và sụp đổ của đế chế kinh tế Mỹ đã điểm?

Mỹ - thành trì của kinh tế thế giới trong thế kỷ 20 - đã vượt qua cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 một cách thành công. Nhưng với sự xuống cấp về văn hóa, yếu kém về cơ cấu và phụ thuộc vào dịch vụ tài chính, liệu kinh tế Mỹ có vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay?

Biển rao bán một ngôi nhà ở Chicago ngày 31/5. Ảnh:AFP-TTXVN

Tờ “Người Bảo vệ” (Anh) ngày 6/6/2011 cho rằng số liệu công bố tuần trước cho thấy giá nhà ở Mỹ đã giảm 33% so với thời kỳ đỉnh điểm, thậm chí còn cao hơn mức giảm 31% trong cuộc suy thoái cách đây hơn 7 thập kỷ. Nước Mỹ đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác như ngân sách, mới cách đây hơn 1 thập kỷ còn thặng dư, nay thâm hụt ở mức tương đương với Hy Lạp, các chính sách kinh tế bị tê liệt...

Nhiều ý kiến cho rằng khó khăn kinh tế của Mỹ sẽ dễ dàng được giải quyết, bởi đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước duy nhất có khả năng quân sự quy mô toàn cầu, và sở hữu may mắn đồng tiền dự trữ của thế giới - một quốc gia vẫn tự hào cứ một thế hệ lại tự cải cách. Hơn nữa, Mỹ sở hữu những trường đại học tốt nhất, thu hút những bộ óc vĩ đại từ khắp thế giới. Quốc gia này là động lực thúc đẩy cho công nghệ phát triển. Vì vậy, có thể Mỹ sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết từ cơn ác mộng của cuộc khủng hoảng tài chính. Tiềm lực mạnh mẽ của các công ty Mỹ có thể tạo ra một làn sóng đầu tư mới trong một vài năm tới.

Tuy nhiên vẫn có một giả thuyết khác. Nước Mỹ năm 2011 giống như đế chế La Mã 200 năm sau Công nguyên hay nước Anh trước thềm Đại chiến Thế giới thứ nhất: Một đế chế ở tột đỉnh của sức mạnh nhưng những vết nứt bắt đầu xuất hiện. Kinh nghiệm của La Mã và Anh cho thấy khó có thể cứu vãn sự mục nát một khi nó đã hình thành. Ở đây đã xuất hiện một vài dấu hiệu cảnh báo với Mỹ: Sức mạnh quân sự bị kéo căng, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, nền kinh tế bị rỗng ruột, người dân vay nợ để sống hoang phí, và các chính sách không còn hiệu nghiệm. Tỷ lệ tội phạm bạo lực cao, nạn béo phì phổ biến, văn hóa khiêu dâm tràn lan và sử dụng năng lượng thái quá có thể nói lên một điều gì đó về một nước Mỹ đang trong tình trạng suy đồi văn hóa cấp độ cao.

Các đế chế suy tàn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng có một số lý do chung. Ban đầu họ không bao giờ chịu thừa nhận tình hình đã đến mức lo ngại và đã xuất hiện một hoặc một vài đối thủ thách thức lập lại trật tự thế giới. Trong trường hợp của đế chế Tây Ban Nha đó là sự xuất hiện của Anh. Trong trường hợp của Anh đó là Mỹ. Trong trường hợp của Mỹ, sự thách thức đó đến từ Trung Quốc.

Sự suy tàn của đế chế Anh diễn ra đặc biệt nhanh chóng sau năm 1914. Đến năm 1945, Anh chỉ là một đối tác bình thường trong một thế giới lưỡng cực được thống trị bởi Mỹ và Liên Xô, và đồng bảng sterling - thước đo chính của vàng vào thế kỷ 19 - đã mất giá nhanh chóng với tư cách là đồng tiền dự trữ. Từng có nhiều tiếng nói cảnh báo xuất hiện, thậm chí từ năm 1851, rằng hai nước Đức và Mỹ nghèo đói hơn nhưng có hiệu suất lao động cao hơn đang đe dọa vị trí thống lĩnh của Anh trong lĩnh vực công nghiệp. Nhưng không có một chính sách đối phó nghiêm túc nào được đưa ra. Trong nửa sau của thế kỷ 19 đã xuất hiện một sự chuyển dịch ngấm ngầm trong nền kinh tế Anh: Từ miền Bắc xuống miền Nam, từ công nghiệp sang tài chính, từ dựa vào chế tạo sang lợi tức đầu tư. Đến năm 1914, sự thay đổi chính thức xuất hiện.

Nước Mỹ ngày nay khác với nước Anh ngày xưa ở hai điểm quan trọng. Quy mô lớn hơn nhiều giúp kinh tế Mỹ được lợi như một nền kinh tế của cả châu lục, và Mỹ có mặt trong mọi ngành công nghiệp được coi là quan trọng chiến lược trong nửa đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, giữa Anh và Mỹ vẫn có nhiều điểm tương đồng. Từ lâu, kinh tế Mỹ đã có một sự chuyển dịch lâu dài từ chế tạo sang tài chính và đang xuất hiện thách thức ngày càng lớn từ các quốc gia khác trên thế giới.

Chính sách của Mỹ luôn hướng tới mục đích tăng trưởng, bởi nỗi lo sợ lớn nhất của Cục Dự trữ Liên bang, Bộ Tài chính hoặc bất cứ tổng thống nào trong Nhà Trắng đều là sự tái hiện của cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. Phản ứng yếu ớt trong các liều thuốc kích thích tăng trưởng hiện nay của Mỹ cho thấy nền kinh tế này có kết cấu yếu kém hơn nhiều so với thập niên 1930. Giải quyết các yếu kém này đòi hỏi phải chặt đứt sợi thòng lọng tài chính của nền kinh tế và thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng cho các hộ gia đình, giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào vay nợ. Thị trường nhà đất cũng phải được cứu trợ. Trên tất cả, nước Mỹ phải tái hiện lại những phẩm chất từng đưa nước này trở thành một đế chế. Đó là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN