Sáng 8/1, thượng nghị sĩ đương nhiệm đảng Cộng hòa Kelly Loeffler đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử bổ sung tại bang Georgia và chúc mừng đối thủ của đảng Dân chủ Raphael Warnock. Thông tin ứng cử viên đảng Dân chủ Jon Ossoff vượt qua thượng nghị sĩ đương nhiệm đảng Cộng hòa David Perdue tại bang này cũng được công bố. Điều đó có nghĩa cuộc chạy đua vào Quốc hội Mỹ khóa 117 đã chính thức khép lại với kết quả đảng Dân chủ kiểm soát cả hai nhánh lập pháp tại Mỹ, nhưng với cách biệt ít ỏi so với đảng Cộng hòa. Thế kiểm soát mong manh này khiến các quyết sách quan trọng của chính quyền trong thời gian tới được dự báo chưa hẳn đã dễ dàng được thông qua.
So với Quốc hội Mỹ khóa 116, dù giành lại thế đa số tại Thượng viện 100 ghế sau cuộc bầu cử bổ sung vừa qua tại bang Georgia - thành trì của đảng Cộng hòa, song do cả hai đảng cùng giành được 50 ghế, thế đa số của đảng Dân chủ chỉ được quyết định với lá phiếu của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, người theo quy định của Hiến pháp là Chủ tịch Thượng viện. Cùng với việc giành chiến thắng tại một số bang chiến địa quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã thu về các kết quả có lợi trong cuộc đua vào thượng viện tại những bang này, trong đó có những "cuộc lật đổ" ngoạn mục tại Arizona, Colorado và cả Georgia khi các chính khách đảng Dân chủ đã vượt qua được các thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm. Phe Cộng hòa không bảo vệ được các bang thành trì quan trọng có truyền thống ủng hộ đảng này và duy trì ưu thế cho đến khi cuộc chạy đua kết thúc.
Trong khi đó, cuộc đua vào hạ viện đã sớm ngã ngũ. Dù mất 13 ghế vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, nhưng đảng Dân chủ vẫn nắm quyền kiểm soát Hạ viện khóa 117 với 222 ghế, so với 211 ghế của đảng Cộng hòa. Cho đến nay, 433/435 ghế hạ viện đã được bầu, với 2 vị trí còn bỏ trống sau khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Louisiana Luke Letlow qua đời tháng trước do mắc COVID-19 và khuyết một vị trí của Quận 22, bang New York. Cũng giống Hạ viện Mỹ khóa 116, các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quyền lực này tiếp tục thuộc về các nhân vật hàng đầu của hai đảng. Sau cuộc bỏ phiếu ngày 3/1, Hạ nghị sĩ đại diện cho bang California Nancy Pelosi tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, dù cách biệt về phiếu bầu không lớn so với đối thủ của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy, lần lượt là 216 và 209 phiếu. Với kết quả này, ông McCarthy cũng tiếp tục là lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện. Về phía đảng Dân chủ, hai hạ nghị sĩ Steny Hoyer (bang Maryland) và James Clyburn (bang South Carolina) lần lượt nắm giữ vai trò lãnh đạo phe đa số và lãnh đạo phụ trách tổ chức kỷ luật tại Hạ viện khóa 117.
Diễn biến quyết liệt trong cuộc đua giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ ở cả hai viện quốc hội báo trước những khó khăn, thách thức cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden khi chênh lệch về thế đa số tại Thượng viện và Hạ viện đều được thu hẹp đáng kể.
Dù được dự báo sẽ tiếp tục giành quyền kiểm soát Hạ viện, song việc đảng Dân chủ mất quá nhiều ghế về tay Cộng hòa khiến chênh lệch tương quan lực lượng giữa hai đảng được rút ngắn. Trong khi đó, cuộc bầu cử thượng viện khó dự báo hơn, nhất là sau khi ông Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, vượt qua đương kim Tổng thống Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thực tế đó đã thúc đẩy nhu cầu cân bằng các nhánh lập pháp nhằm duy trì thế tam quyền phân lập, tránh đẩy chính trường Mỹ nghiêng hẳn về một khuynh hướng chủ đạo nào, ảnh hưởng tới đời sống chính trị-kinh tế và xã hội Mỹ, vốn đang bất ổn và chia rẽ sau một năm 2020 đầy biến động. Mặc dù giành lại quyền kiểm soát thượng viện từ tay Cộng hòa, nhưng điều này cũng không đảm bảo các quyết sách quan trọng mà phe Dân chủ thúc đẩy có thể tạo được sự đồng thuận lớn tại hai viện của quốc hội.
Với tương quan hiện nay, nền chính trị Mỹ sẽ đứng trước nhiều thử thách trong việc tạo ra một sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng, cấp bách. Quá trình xây dựng nhân sự nội các của ông Biden sẽ sớm phải đối mặt với các sức ép từ phe Cộng hòa, nhất là với một số vị trí cần được Thượng viện xác nhận. Việc theo đuổi quan điểm xây dựng nội các đa dạng về thành phần, đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội Mỹ đang khiến ông Biden chịu áp lực từ chính nội bộ đảng Dân chủ, khi một số nhóm nghị sĩ đang thúc ép đội ngũ chuyển giao lựa chọn thêm nhiều nhân vật có cùng quan điểm chính trị, mang tính đại diện về tầng lớp và xuất thân. Một số chính khách được ông Biden lựa chọn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình xác nhận tại Thượng viện, nhất là những nhân vật có quan điểm cấp tiến như ứng cử viên Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Neera Tanden. Trong khi đó, với rào cản về quy định bổ nhiệm, ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng được dự báo khó có thể được Thượng viện thông qua.
Cán cân quyền lực tương đối ngang bằng giữa hai đảng trong Quốc hội khóa 117 cũng có thể khiến quá trình hoạch định và triển khai chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Biden bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là đối với một số vấn đề quan trọng về đối nội. Thách thức đầu tiên mà ông Biden sẽ phải đối mặt, bên cạnh quá trình phê chuẩn nội các mới, có thể đến từ việc thông qua các gói kích thích kinh tế để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian tới. Một gói kích thích kinh tế lớn hơn theo đề xuất của đảng Dân chủ nhằm giúp người dân Mỹ nhanh chóng vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn tại "ải" Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa không muốn chi quá nhiều, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và tạo gánh nặng về thuế đối với tầng lớp trên trung lưu, doanh nghiệp quy mô lớn. Chính quyền của ông Biden cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép từ phe Cộng hòa trong việc thông qua các dự luật quan trọng liên quan đến chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Affordable Care Act), chương trình cho vay sinh viên, vấn đề nhập cư... những kế hoạch vốn đã gặp bế tắc từ lâu.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động sâu rộng tới đời sống chính trị-kinh tế và xã hội Mỹ, thúc ép chính quyền tới đây của ông Biden phải sớm thông qua các giải pháp về y tế và kinh tế để đối phó và xử lý. Dù đảng Dân chủ đã giành lại được quyền kiểm soát Thượng viện, chính quyền vẫn sẽ phải điều chỉnh các chính sách quan trọng này theo hướng cân bằng, ôn hòa hơn so với những cam kết đặt ra, vốn được xây dựng trên nền tảng quan điểm trung tả trong quá trình chạy đua tranh cử. Đồng thời, để các dự luật có thể vượt qua và trở thành đạo luật, phe Dân chủ tại Thượng viện không chỉ tăng cường sự đoàn kết, củng cố nền tảng của mình mà còn phải cần đến sự ủng hộ hơn nữa của các nghị sĩ độc lập, có tiếng nói quan trọng như Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders - một ứng cử viên tham gia cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020 của đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ bang Maine Angus King - một nhân vật từng có nhiều quan điểm, phát biểu chỉ trích Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ vừa qua.
Những thực tế đang diễn ra dự báo về một cuộc sống chung vốn chưa bao giờ dễ dàng giữa các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong nhiệm kỳ tới. Đó cũng là thách thức đối với cả chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông từng cam kết hành động đối với những vấn đề như nhập cư, biến đổi khí hậu, chăm sóc y tế và bất bình đẳng kinh tế. Tuy nhiên, sự phân cực giữa hai đảng và tỷ lệ chênh lệch sít sao tại Hạ viện và Thượng viện sẽ khiến ông Biden khó có thể hành động quyết liệt để thực hiện cam kết trên. Nói cách khác, với thế kiểm soát mong manh của đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, sau khi nhậm chức ngày 20/1 tới, Tổng thống thứ 46 Joe Biden vẫn cần phải thỏa hiệp với đảng Cộng hòa để có thể thúc đẩy các chính sách của mình.