Thành lập" lá chắn tên lửa" cho toàn châu Âu?

Các chính khách và chuyên gia quân sự Nga cùng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương" (NATO) đã nhiều năm nay đề cập đến khả năng thành lập lá chắn tên lửa chung của châu Âu.


Nhưng mãi tới Hội nghị cấp cao NATO - Nga mới đây ở Lisbon (Bồ Đào Nha), Mátxcơva mới khẳng định sẵn sàng phối hợp cùng NATO thành lập Hệ thống phòng thủ tên lửa (AMD) chung của châu Âu nếu NATO chấp nhận các điều kiện do phía Nga nêu ra. Đó là những điều kiện gì và liệu hai bên có tìm được tiếng nói chung để thành lập "lá chắn tên lửa" cho toàn châu Âu?

Để có thể bắn hạ các tên lửa của đối phương, trước tiên phải phát hiện chúng từ xa. Để làm được như vậy, các nước tham gia AMD phải sử dụng các thiết bị vệ tinh, các trạm thu tín hiệu vệ tinh và các trạm rađa.


Ngoài các tên lửa phòng không hiện đại như S-400 và "Triumph" để bắn hạ mọi loại tên lửa đạn đạo hiện hành, Nga hiện có Hệ thống kiểm soát khoảng không vũ trụ gồm các trạm rađa như Don-2N hay Crona đặt tại Bắc Caucasus và hệ thống Okno bố trí tại Nurek của Tátgikixtan với khả năng phát hiện mục tiêu ở độ cao tới 40.000 kilômét, A-135 bố trí xung quanh thủ đô Mátxcơva để bảo vệ khu công nghiệp trung tâm, nơi có tới 30% dân số Nga sinh sống... Cho tới nay, chỉ có Nga và Mỹ sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo nên đây là một lợi thế của Mátxcơva khi đàm phán với NATO về AMD.

Trong khi đó, Lầu Năm góc đã và đang triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) gồm các tên lửa tấn công và đánh chặn bố trí trong vũ trụ, trên mặt đất và trên tàu ngầm. Trên quỹ đạo gần Trái đất, Mỹ chủ trương sử dụng hệ thống SEWS (Satellite Early Warning System) gồm 5 vệ tinh để phát hiện tên lửa đối phương sau khi nó được phóng đi chỉ khoảng 40-50 giây vào quỹ đạo bay của nó. Từ giữa những năm 1990, Lầu Năm góc đã bắt đầu nghiên cứu để thành lập một hệ thống mới gồm 30 vệ tinh.


Trên mặt đất, Mỹ có các hệ thống rađa và tên lửa bố trí ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Viễn Đông. Đồng thời, Lầu Năm góc còn có 16 tuần dương hạm và tàu khu trục loại Aegis trang bị khoảng 100 dàn tên lửa SM-3 được bố trí tại Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Oasinhtơn đặt mục tiêu sử dụng 54 dàn tên lửa bố trí trên lãnh thổ Mỹ và Ba Lan với tầm bắn 1.000 - 1.500 km để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Iran, Xiry và Libi. Theo dự kiến, đến năm 2013, NMD sẽ "bảo vệ" được toàn bộ Bắc bán cầu.

Thời gian bay của tên lửa đạn đạo từ Iran đến Mátxcơva khoảng 9-12 phút và đến châu Âu khoảng 15-17 phút. Trong trường hợp Nga và NATO đặt một trạm chỉ huy chung với vài đại diện của Nga và vài chục đại diện của NATO thì thời gian từ khi phát hiện ra tên lửa đối phương đến lúc phải ra quyết định chung để bắn hạ nó, chỉ tính từng giây.


Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tranh cãi giữa các đại diện này liên quan đến mục tiêu của tên lửa, phương tiện bắn hạ nó và địa điểm cho "rác hạt nhân" rơi xuống. Để loại trừ khả năng "không kịp ra lệnh bắn hạ", người ta nghĩ đến phương án NATO sẽ phụ trách khu vực Tây Âu, còn Nga sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ phần Đông Âu. Cho đến nay, cả hai bên đều chưa bàn và cũng chưa có tiếng nói chung trong việc chọn phương án nào trong số hai phương án này.

Trong khi đó, theo quan điểm của NATO, nguy cơ chủ yếu đối với châu Âu lại xuất phát từ phía Nam (ngụ ý từ Iran). Nhưng Lầu Năm góc lại lên tiếng muốn gánh lấy trách nhiệm loại trừ nguy cơ này thông qua việc bố trí một bộ phận NMD tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Địa Trung Hải. Tóm lại, trong vấn đề thành lập AMD châu Âu, các bên còn có quan điểm khác xa nhau, chưa nói tới NMD của Mỹ và việc Oasinhtơn không muốn AMD góp phần để một số nước NATO "phi hữu nghị" với Nga giữ lập trường mềm mỏng hơn trong quan hệ với Mátxcơva, dẫn đến tăng cường hợp tác với Nga về kinh tế - thương mại và quốc phòng, kể cả khả năng tiết lộ bí mật quân sự - công nghệ.

Mátxcơva đã nêu điều kiện để thành lập AMD chung của châu Âu là NATO ngừng tiến sang phía Đông, Oasinhtơn rút hết các tên lửa hiện nay ra khỏi châu Âu và hủy bỏ kế hoạch bố trí một bộ phận NMD tại Đông Âu.

Xem ra với quan điểm nêu trên của ba trục Mátxcơva – Brúcxen - Oasinhtơn, triển vọng thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu vẫn còn xa vời.

Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga, tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN