Thái Lan sẽ có một cuộc đảo chính tư pháp?

Trong những ngày qua, Thái Lan đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và nguy cơ bạo động bùng phát ngày một tăng cao. Mới đây nhất, ngày 28/12, một kẻ lạ mặt đã bắn vào người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok làm một cảnh sát và một người biểu tình thiệt mạng. Tình hình căng thẳng này đã đặt ra câu hỏi: liệu cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan trước thời hạn, dự kiến vào ngày 2/2/2014, có nên lui lại theo như khuyến cáo của Ủy ban bầu cử?

Cảnh sát chống bạo động Thái Lan gác tại một sân vận động ở Bangkok ngày 27/12. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngay sau khi xảy ra vụ bạo động vào ngày 26/12, Ủy ban Bầu cử đã khuyên chính phủ nên lui lại cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Ủy ban đánh giá rằng có rất nhiều nguy cơ xảy ra bạo động trong các giai đoạn khác nhau của cuộc bầu cử, từ lúc vận động tranh cử cho đến khi kiểm phiếu, và có thể ngay trong ngày bỏ phiếu. Đó là chưa kể đến việc di chuyển các thùng phiếu đến nơi kiểm phiếu.

Quyết định dời ngày bầu cử thuộc thẩm quyền chính phủ, song chính quyền của Thủ tướng Yingluck lại cho rằng không có một luật nào cho phép việc hoãn việc bỏ phiếu như thế và không có gì chứng minh là việc dời ngày bầu cử sẽ làm giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, 5 thành viên của Ủy ban Bầu cử cho biết họ sẵn sàng từ chức để ngăn chặn cuộc bầu cử, và kết quả là cuộc bỏ phiếu sẽ đương nhiên bị hủy bỏ. Ủy ban này cho rằng, ngăn chặn nguy cơ bạo động quan trọng hơn là tôn trọng luật pháp một cách sát sao. Rõ ràng, đây là một chiều hướng nguy hiểm và tại sao Ủy ban bầu cử lại có thái độ như vậy? Các thành viên của Ủy ban bầu cử đã tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ bạo động, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng thái độ của họ đã cổ súy cho những người gây ra bạo động.

Với tình hình hiện nay, giải pháp "truyền thống" có khả năng là đảo chính. Tuy vậy, lần này quân đội lại tỏ ra dè dặt trước việc can thiệp trực tiếp. Một mặt do họ bị chia rẽ trước tình hình chính trị hiện nay, mặt khác cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2006 đã làm hình ảnh đất nước Thái Lan xấu đi rất nhiều. Đó là lý do khiến quân đội Thái Lan khá bối rối và cho đến nay chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải nhưng không mấy thành công. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, quân đội hiện đang rất bực tức trước thái độ vô trách nhiệm của cả hai phe chính phủ và đối lập. Quân đội đã đề nghị mở cuộc điều tra về các sự cố này.

Tư lệnh lục quân, tướng Prayuth, ngày 27/12 đã kêu gọi cả hai phe tự kiềm chế. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra khủng hoảng, ông đề cập tới khả năng quân đội can thiệp khi nói rằng "cánh cửa không mở mà cũng không đóng. Điều gì cũng có thể xảy ra. Vấn đề là tùy theo tình hình". Phát biểu trên là một dấu hiệu quan trọng và không phải là ngẫu nhiên mà tướng Prayuth đưa ra những phát biểu như vậy.

Một khả năng khác là Nhà Vua sẽ can thiệp như cuộc khủng hoảng năm 1973 và năm 1992. Tuy nhiên, Nhà Vua lại không ở Bangkok mà ở Hua Hin, miền nam nước này. Năm nay, Nhà Vua đã 86 tuổi, sức khỏe yếu và cũng không rõ ông có thực sự nắm được tình hình ở Bangkok hay không. Có vẻ như nội bộ Hoàng gia cũng bị chia rẽ trước tình hình chính trị hiện nay, giữa các hoàng tử, công chúa, các tôi thần...

Giải pháp còn lại là đảo chính tư pháp. Giải pháp này ngày càng rõ nét. Ủy ban Chống Tham nhũng hiện đang xem xét một đơn kiện lạm quyền do phe đối lập trình lên, nhắm vào các dân biểu đảng Puea Thai và Thủ tướng Yingluck, bị cho là đã vi phạm quy định của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu về một điều khoản sửa Hiến pháp trong tháng qua. Rất có thể, Ủy ban Chống tham nhũng thân phe đối lập sẽ trừng phạt các dân biểu đảng Puea Thai và như thế có thể khiến chính quyền bà Yingluck sụp đổ.

Ông Chris Baker, một tác giả và bình luận gia về chính sự Thái Lan, nói rằng phong trào chống chính phủ có thể bị mất sự ủng hộ của người dân. Ông nói: “Việc đám đông của ông Suthep trở nên tàn bạo hơn, phá hoại và cực đoan hơn khiến họ có thể mất đi sự ủng hộ của những người đứng giữa. Theo tôi, chính sách của chính phủ là kiên nhẫn hơn một chút khi có dấu hiệu cho thấy phong trào của ông Suthep đang tự phân rã”.

Trong khi đó, Sunai Phasuk - một nhà nghiên cứu kỳ cựu làm việc cho tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở Mỹ - tỏ ý lo ngại rằng những người ủng hộ chính phủ, phần lớn ở các khu vực tỉnh lẻ, có thể tổ chức biểu tình chống phong trào của ông Suthep. Ông Phasuk nói: “Thái Lan đang bước vào một thời kỳ thao túng chính trị - một trong những thời kỳ tệ hại nhất trong lịch sử hiện đại mà ông Suthep và các ủng hộ viên nói là tập thể quần chúng nhưng chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ dân chúng. Chúng ta không biết những người đã bỏ phiếu cho phía ông Thaksin lần trước sẽ phản ứng như thế nào đối với phía ông Suthep, họ có thể kiên nhẫn đến mức nào trước phe của ông Suthep. Ðó là điều đáng ngại”.

Phe "Áo Đỏ" có thể huy động lực lượng đông gấp 2 hay 3 lần số người biểu tình chống chính phủ. Nếu sự kiện này diễn ra thì tình hình sẽ rất khó lường.


Thanh Tú (Theo AFP, Reuters, RFI, TNHK)
Bức tranh chính trị và kinh tế ảm đạm của Thái Lan
Bức tranh chính trị và kinh tế ảm đạm của Thái Lan

Thái Lan đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng bất chấp những nỗ lực của bà Yingluck muốn dẹp yên sự bất ổn bằng việc kêu gọi tổ chức bầu cử.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN