Thái Lan đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng bất chấp những nỗ lực của nữ Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra muốn dẹp yên sự bất ổn bằng việc kêu gọi tổ chức bầu cử. Người biểu tình tuần hành về phía tòa nhà chính phủ ở Bangkok ngày 9/12. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Những người biểu tình yêu cầu bà Yingluck từ chức và muốn Thái Lan không còn phải chịu sự ảnh hưởng từ người anh của bà hiện đang sống ở Dubai. Ngày 22/12, hàng chục nghìn người ở Thái Lan đã xuống đường biểu tình nhằm gia tăng nỗ lực lật đổ bà Yingluck, khiến giao thông ở thủ đô Bangkok bị tê liệt. Những người biểu tình tuyên bố sẽ ngăn cản các đảng phái đăng ký tham gia cuộc bầu cử gây tranh cãi gay gắt, dự kiến được tiến hành vào ngày 2/2/2014.
Cuộc biểu tình lần này diễn ra sau tuyên bố của Đảng Dân chủ thuộc phe đối lập chính rằng họ sẽ tẩy chay cuộc bầu cử đột xuất mà Thủ tướng Yingluck dự kiến tổ chức. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanatubut cho biết có ít nhất là 150.000 người đã tập trung tại một số địa điểm ở thủ đô cho đến hết đêm 22/12. Còn theo các lãnh đạo biểu tình, số người tham gia cao hơn thế gấp vài lần.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, người cam kết sẽ đập tan "chế độ Thaksin", đã phản đối lời kêu gọi tổ chức bầu cử của bà Yingluck vì cho rằng nó sẽ lại lập nên một chính phủ Thaksin khác. Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân tự xưng của ông Suthep hiện đang kêu gọi thành lập một "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử để giám sát việc thực hiện những cải cách có ảnh hưởng lớn song chưa được xác định cụ thể trước khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức trong vòng từ một năm đến một năm rưỡi.
Theo giới phân tích, nỗ lực của ông Suthep đang được sự hậu thuẫn từ các lực lượng quyền lực ở hậu trường của một đất nước đã từng chứng kiến tới 18 cuộc đảo chính thành công và thất bại kể từ năm 1932. Nỗ lực này càng được thúc đẩy sau khi đảng Dân chủ đưa ra tuyên bố ngày 21/12 về việc tẩy chay bầu cử.
Động thái trên đã khiến Thủ tướng thất vọng bởi bà cho rằng bầu cử phải được tiến hành để cứu nền dân chủ mong manh của Thái Lan. Ngày 22/12, bà phát biểu trước các phóng viên: "Nếu chúng ta không duy trì hệ thống dân chủ thì chúng ta sẽ duy trì cái gì? Nếu bạn không chấp nhận chính phủ này thì hãy chấp nhận hệ thống này". Bà nói thêm rằng cuộc bầu cử sẽ giúp tiếng nói người biểu tình được lắng nghe thông qua hòm phiếu.
Năm 2006, Đảng Dân chủ cũng đã tẩy chay bầu cử, giúp tạo nên một khoảng chống chính trị dẫn tới cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin. Giới phân tích cho rằng cuộc tẩy chay lần này có thể sẽ đem lại một kết quả tương tự song cũng khiến cho đảng chính trị lâu năm nhất ở Thái Lan này phải đối mặt với nguy cơ lớn là bị mất hết uy tín nếu cuộc bầu cử được tiến hành. Những người bầu cử kêu gọi quân đội ủng hộ việc lật đổ chính phủ hiện vẫn đang duy trì hoạt động bất chấp những áp lực lớn trên đường phố. Song giới quân sự đã khẳng định họ sẽ không can dự trực tiếp vào tình hình hiện nay.
Có thể thấy rõ một điều rằng tình trạng bế tắc chính trị tại Thái Lan đang khiến cho nền kinh tế nước này phải chịu hậu quả, và nhiều chuyên gia đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Thái Lan.
Theo một số dự báo, nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul cho rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nếu xuất hiện khoảng trống chính trị khiến cho việc phân bổ ngân sách gặp trở ngại.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody đánh giá rằng nếu khủng hoảng tiếp diễn, kể cả sau cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 2/2014, nền kinh tế Thái Lan sẽ chịu hậu quả, đồng thời nó sẽ xói mòn lòng tin của giới đầu tư.
Hãng này đặt câu hỏi: nền kinh tế sẽ ra sao nếu chính phủ mới không thể hoạt động sau khi đã nhậm chức? Mặc dù hoạt động kinh tế có thể tiếp tục bất chấp các cuộc biểu tình, nhưng vấn đề lớn hơn là liệu xung đột chính trị có thể giúp kinh tế tăng trưởng hay không? Những tranh cãi hiện nay khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng có một chính phủ mới theo lịch trình và điều này sẽ ngăn cản tăng trưởng kinh tế.
Việc giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử bất thường đã ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ tín nhiệm của Thái Lan bởi cuộc bầu cử này chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan. Diễn biến chính trị và tình hình xuất khẩu dự kiến sẽ là hai nhân tố tác động tới tăng trưởng kinh tế vào năm 2014.
Những diễn biến rối ren gần đây ở Thái Lan chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc lại quyết định trước khi đổ tiền vào Thái Lan. Ngay cả thị trường chứng khoán trong những ngày qua đã xuất hiện hiện tượng bán tháo cổ phiếu để rút tiền khỏi Thái Lan.
Theo Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Kasikorn (K-research), mặc dù kinh tế Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ hồi phục vào năm tới, nhưng nếu tình hình chính trị không được cải thiện, kinh tế Thái Lan sẽ vẫn phải đối mặt với những tác động tiêu cực.
Dự báo lạc quan nhất là Thái Lan thành lập được một chính phủ được các bên chấp nhận, kể cả chính phủ thông qua bầu cử hoặc bổ nhiệm. Thể chế này sẽ giúp khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và cũng sẽ góp phần kích thích kinh tế tăng trưởng. Có khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 3% trong 6 tháng đầu năm và gia tăng trong 6 tháng cuối năm nếu mọi tranh cãi chính trị hiện này được giải quyết.
Trong trường hợp chính phủ không thực hiện được việc kích thích kinh tế, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ vào khoảng 3,7% trong năm tới. Tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 2,5% nếu bế tắc chính trị vẫn chưa được giải quyết để thành lập được một chính phủ bất chấp khu vực xuất khẩu làm ăn tốt. Trong trường hợp tồi tệ nhất, không thành lập được chính phủ trong khoảng nửa đầu năm tới và tình hình xuất khẩu trục trặc, tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ chỉ đạt 0,5% vào năm 2014.
TTK (Theo AFP)