Trong bài phát biểu nhậm chức ở Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Manila, tân Tổng thống Marcos Jr cam kết thúc đẩy cải cách giáo dục, cải thiện khả năng cung cấp lương thực, nâng cấp và xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải, đảm bảo cung cấp năng lượng và hỗ trợ đầy đủ cho hàng triệu công nhân Philippines ở nước ngoài. Ông khẳng định: "Tôi ý thức một cách sâu sắc trọng trách mà các bạn đặt lên vai tôi. Tôi đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đầy khó khăn đó và tôi sẽ hoàn thành vai trò của mình."
Theo giới phân tích, Philippines đã bước vào một kỷ nguyên mới và vị tổng thống thứ 17 giờ đây sẽ phải nỗ lực để biến những cam kết tranh cử thành hiện thực, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Về kinh tế, nền kinh tế Philippines đã suy giảm tới 9,6% năm 2020, mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do chính sách đóng cửa và phong tỏa phòng chống đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người mất việc làm. Dù phục hồi mạnh hơn dự kiến khi tăng trưởng 5,6% trong năm 2021 và được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất khu vực Đông Nam Á trong năm nay, song Philippines lại đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, có nguy cơ tác động tới các hộ gia đình có thu nhập giảm do đại dịch.
Ngoài ra, chính quyền mới sẽ phải gánh khoản nợ quốc gia khổng lồ hơn 12.000 tỷ peso (khoảng 224 tỷ USD), tương đương 60,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2021, mức cao nhất trong 16 năm. Con số này gần gấp đôi thời điểm Tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016. Theo Phó Giáo sư Ed Araral, trường Đại học Quốc gia Singapore, Philippines sẽ cần phải đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6%/năm mới trả được nợ. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản, lãi suất toàn cầu sẽ tăng lên. Điều đó đồng nghĩa với việc khoản nợ của Philippines sẽ tăng lên và nước này sẽ có ít tiền hơn cho các dịch vụ công.
Trong khi đó, luật sư Edsel Tupaz tại công ty Gorriceta Africa Cauton & Saavedra, nhận định trước gánh nặng nợ công ngày càng báo động, đội ngũ kinh tế của chính quyền ông Marcos Jr sẽ phải thiết kế và thực hiện một chương trình kinh tế vừa giúp giảm thiểu gánh nặng nợ vừa khai thác sự hợp lực của khu vực tư nhân.
Giới quan sát cũng cho rằng Manila nên nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nếu đất nước bị tụt hậu trong xu hướng tự do thương mại của khu vực, Philippines có nguy cơ mất khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tin tốt là đội ngũ phụ trách lĩnh vực kinh tế trong chính quyền sắp tới đã cam kết sẽ thúc đẩy tiến trình phê chuẩn RCEP. Thống đốc Ngân hàng trung ương, ông Benjamin Diokno, người sẽ trở thành tân Bộ trưởng Tài chính Philippines, đã khẳng định RCEP là nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền mới.
Những lựa chọn đội ngũ kinh tế nói riêng và nội các nói chung của ông Marcos Jr cũng đang nhận được phản hồi tích cực. Theo Thượng nghị sĩ Aquilino “Koko” Pimentel III, Tổng thống Marcos Jr đã đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc thành lập chính phủ và hoạch định chính sách, khi bổ nhiệm nhiều nhà kinh tế và kỹ thuật có năng lực vào nội các để tập trung xử lý nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Pimentel đánh giá cao việc ông Marcos Jr thông báo sẽ kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng nông nghiệp, cho thấy quyết tâm của tân tổng thống trong việc thúc đẩy sản xuất lương thực.
Trong phát biểu ngày 20/6, ông Marcos Jr nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn tình trạng thiếu hụt và tăng giá lương thực, khẳng định đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Thực tế, việc hạ nhiệt giá lương thực ngày càng trở nên quan trọng hơn khi lạm phát ở quốc gia Đông Nam Á tháng trước là 5,4%, mức cao nhất trong hơn 3 năm qua do giá dầu leo dốc. Trong bối cảnh này, mong muốn của ông Marcos Jr hạ giá gạo xuống hơn một nửa, còn 20 peso (khoảng 0,37USD)/kg, được dự báo là rất khó thực hiện.
Về đối ngoại, ông Marcos Jr nhậm chức khi các điều kiện bên ngoài xáo trộn hơn nhiều so với những gì người tiền nhiệm từng phải đối mặt. Với những rủi ro địa chính trị gia tăng, lời kêu gọi “thống nhất”, được truyền tải trong suốt thời gian tranh cử của tân tổng thống, sẽ được thử nghiệm trong các tình huống trên thực tế, đặc biệt là về các vấn đề quan trọng như tranh cãi lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông. Ông Vic Rodriguez, người phát ngôn của Tổng thống Marcos Jr, cho biết chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ mang tính bao trùm, trong đó "lợi ích của người dân Philippines và lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu và sẽ không bao giờ được thỏa hiệp".
Các nhà phân tích cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Marcos Jr có thể được định hướng bởi những hành động mà ông cần thực hiện để khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn đại dịch COVID-19. Nhìn chung, Tổng thống Marcos Jr. đã gửi những tín hiệu rõ ràng rằng ông sẽ tìm cách cân bằng quan hệ của Philippines với cả Mỹ và Trung Quốc, vốn đều là những thành phần quan trọng trong chính sách đối ngoại, an ninh và kinh tế của Philippines. Chỉ vài tuần sau bầu cử, ông Marcos Jr đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và nhiều khả năng ông sẽ trở thành tổng thống Philippines đầu tiên tới Nhà Trắng trong gần một thập niên. Trước đó, ông Marcos Jr đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh với Mỹ. Tổng thống Marcos Jr cũng được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc như một đối tác quan trọng, trong khi nhà lãnh đạo này đã khẳng định cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và các quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, duy trì phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) liên quan tranh chấp ở Biển Đông.
Chuyên gia tư vấn Perry Pe từ công ty Romulo cho rằng “chính quyền của ông Marcos Jr sẽ phải cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ vì Manila cần cả hai mối quan hệ này. Một mặt, ông Marcos có thể gia hạn thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ, mặt khác, có thể cho phép Trung Quốc đầu tư hơn nữa vào đất nước, kinh doanh và mở rộng mối quan hệ thương mại.” Bên cạnh đó, cũng có nhiều chỉ dấu cho thấy ông Marcos Jr sẽ tìm kiếm một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược rộng khắp, khi khéo léo duy trì các kênh liên lạc với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, ưu tiên hợp tác an ninh hàng hải, ngoại giao kinh tế và hợp tác đa phương với các quốc gia này. Nhà lãnh đạo này từng khẳng định: "Philippines cần một chính sách ngoại giao độc lâp và làm bạn với tất cả các nước. Đó là cách thức duy nhất".
Có thể nói, nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế với hơn 110 triệu dân là rất nặng nề, song sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua có thể sẽ giúp ông khởi đầu nhiệm kỳ một cách thuận lợi và mạnh mẽ. Trong nhiệm kỳ 6 năm tới, tân Tổng thống Marcos Jr sẽ phải tìm cách khai thác hết tiềm năng phát triển của Philippines – quốc gia dân số trẻ với độ tuổi trung bình chỉ 24 tuổi, cũng như điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp để tối đa hóa lợi ích chiến lược cho đất nước, qua đó đáp ứng kỳ vọng của các cử tri.