Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu hàng đầu khác đã nhất trí cắt giảm sản lượng lớn hôm 5/10 để thúc đẩy giá dầu thô - một động thái bị Mỹ chỉ trích là "nhượng bộ Moskva sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế toàn cầu".
Trong một tuyên bố sau cuộc họp tại Vienna (Áo), nhóm OPEC+ gồm 13 quốc gia do Riyadh đứng đầu và 10 đối tác do Moskva dẫn đầu đã đồng ý giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11 này.
Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ làm tăng giá dầu vào thời điểm mà các quốc gia đang đối mặt với lạm phát tăng cao do nhu cầu sử dụng năng lượng lớn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman, bảo vệ động thái trên, nói rằng ưu tiên của họ là "duy trì một thị trường dầu bền vững", tại một cuộc họp báo sau cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ tháng 3/2020.
Saudi Arabia cho biết việc cắt giảm tương đương 2% nguồn cung toàn cầu là cần thiết để phản ứng với việc tăng lãi suất ở phương Tây và nền kinh tế toàn cầu yếu hơn. Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suheil al-Mazroui nói rằng OPEC+ "vẫn là một tổ chức kỹ thuật và điều rất quan trọng là quyết định vẫn mang tính kỹ thuật chứ không phải chính trị".
Nhưng quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích ngay lập tức từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã có chuyến công du gây tranh cãi tới Saudi Arabia hồi tháng 7 dưới áp lực khi Washington phải đối mặt với việc tăng giá tại các trạm nhiên liệu.
Thời điểm mà OPEC+ đưa ra quyết định mới nhất trên cũng không tốt cho chương trình nghị sự chính trị của ông Biden vì nó diễn ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng tới.
"Rõ ràng là OPEC+ đang đứng về phía Nga với thông báo hôm nay", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và cố vấn kinh tế hàng đầu Brian Deese cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Biden "thất vọng vì quyết định thiển cận của OPEC+".
Hiện các đồng minh phương Tây do Mỹ đứng đầu đã tìm cách cô lập nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng, để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Theo nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, việc cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp Nga hạn chế được tác động tiêu cực từ trừng phạt khi EU vừa mới thông qua một gói trừng phạt bao gồm giới hạn giá dầu của Nga.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và đã tham dự cuộc họp trên của OPEC +, cho biết áp mức trần giá sẽ có "tác động bất lợi" đối với lĩnh vực dầu mỏ toàn cầu, cảnh báo rằng các công ty Nga sẽ "không cung cấp dầu cho những nước" đưa ra mức giới hạn như vậy.