Tài phiệt Mỹ cảnh báo nguy cơ EU tan rã cùng Brexit

Nhà tài phiệt người Mỹ George Soros vừa đưa ra cảnh báo rằng nếu cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là kịch bản Brexit, trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới, đây sẽ là dấu chấm hết cho liên minh này.

Nhà tài phiệt George Soros

 Ngày 11/6, phóng viên TTXVN tại Anh dẫn lời tỷ phú Soros cho rằng khả năng Anh rời EU tạo ra một mối đe dọa mới. Nếu xảy ra Brexit, nguy cơ tan rã của liên minh này là điều khó tránh khỏi. Trước đó, ông Soros cũng đã cảnh báo EU đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, do phải giải quyết cùng lúc hai bài toán khó là cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, nhà tài phiệt này lưu ý rằng việc đồng bảng Anh mạnh lên trong những tuần gần đây cho thấy khả năng người dân Anh bỏ phiếu rời EU có thể sẽ không xảy ra. Theo ông, cuộc trưng cầu ý dân càng đến gần thì các cuộc vận động ở lại EU sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhận định của ông Soros được đưa ra vào thời điểm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi vừa đưa ra cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian để chính phủ các nước EU thực hiện các chương trình cải cách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế trong giai đoạn có nhiều thay đổi về nhân khẩu học cũng như để thúc đẩy tăng trưởng thông qua giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Ông Soros cũng cho biết ông đã bán cổ phiếu và "đánh cược" vào vàng và một số tài sản khác. Tỷ phú Soros đã “rót” 30 tỷ bảng Anh (tương đương 43,5 tỷ USD) vào kim loại quý này, vì theo ông, chiều hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến cho tỷ lệ lạm phát trên thế giới tiếp tục ở mức thấp đáng lo ngại.

Theo số liệu thống kê, trong quý đầu năm 2016, tuy bán cổ phiếu của các công ty thuộc nhiều lĩnh vực vực khác, song quỹ đầu tư của ông Soros đã mua trên 1 triệu cổ phiếu (trị giá khoảng 123,5 triệu USD) của quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust và 19 triệu cổ phiểu của công ty khai thác vàng hàng đầu thế giới Barrick Gold. Ông từng được coi là kẻ "gây rối" tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong một ngày mà giới đầu tư gọi là ngày "Thứ Tư Đen" (16/9/1992). Áp lực của các cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ do quỹ đầu tư của ông Soros dẫn đầu khi đó đã buộc BoE phải rút đồng bảng khỏi Cơ chế Tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) để tránh cho đồng bảng tiếp tục lao dốc.

Liên quan tới kịch bản Brexit, trước đó, cùng ngày, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ cho biết vẫn giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm đối với Anh là “AA+”, song cảnh báo nếu nước này quyết định rời khỏi EU, nhiều khả năng thứ hạng này sẽ giảm xuống.

TTXVN/Tin Tức
Những nguy cơ hậu "Brexit"
Những nguy cơ hậu "Brexit"

Một Liên minh châu Âu (EU) không có Anh sẽ chứng kiến sự sụt giảm về ngân sách, về tự do kinh tế và thương mại, về các quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương, và sẽ dè dặt hơn trong việc mở rộng quy mô. Đó là một vài trong số rất nhiều nguy cơ mà người ta nhắc đến nếu người dân Anh lựa chọn để quốc gia này rời bỏ EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN