Sức mạnh không quân châu Âu suy yếu

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công, thời gian qua, nhiều nước châu Âu đã phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong khuôn khổ chính sách "thắt lưng buộc bụng" về ngân sách tài chính.


“Thước đo” tiềm lực không quân


Đề cập đến vấn đề này, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 26/9 cho rằng sức mạnh không quân của các nước châu Âu có nguy cơ bị suy yếu đáng kể do số lượng đơn đặt hàng mua máy bay chiến đấu thế hệ mới ngày càng giảm xuống.


 

Máy bay F-35 "Tia chớp" được Hà Lan đặt mua.

 

Đây có thể là một trong những "thước đo" quan trọng để xác định xem tiềm lực không quân của các nước châu Âu đang ở vị trí nào trên "bầu trời" quốc tế. Thực tế cho thấy số lượng máy bay thế hệ mới được đưa vào phiên chế giảm đi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất chiến đấu và bó hẹp các phương án tác chiến. Hơn thế nữa, nó cũng chứng tỏ các nước châu Âu không còn đủ sức để theo đuổi những mục tiêu chiến lược đầy tham vọng với hàng loạt ưu tiên.


Nhiều nước châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự về an ninh và quốc phòng. Các hợp đồng mua sắm được xem xét lại, số lượng giảm đi và người ta tìm kiếm những giải pháp thay thế, ví dụ như nâng cấp, sửa chữa...


“Co” về quy mô


Gần đây nhất, ngày 17/9, Hà Lan công bố kế hoạch mua sắm máy bay chiến đấu của mình trong tương lai. Cuối cùng, chính phủ Hà Lan cũng "bật đèn xanh" cho quân đội nước này mua máy bay chiến đấu thế hệ mới F - 35 mệnh danh "Tia chớp" của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ). Máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 5 này sử dụng một động cơ, nhưng được trang bị công nghệ tàng hình "qua mắt" mọi hệ thống rađa của đối phương. Là giải pháp thay thế cho F - 22 bị cấm xuất khẩu, biến thể F - 35A có giá 122 triệu USD.


Tuy nhiên, điều đáng nói là kế hoạch cuối cùng mà chính phủ Hà Lan thông qua đã được "co" lại về quy mô. Theo dự tính ban đầu, Hà Lan sẽ mua khoảng 85 tiêm kích đa năng tàng hình F - 35 của Mỹ. Giờ đây, con số này đã được giảm xuống còn 37, chỉ đủ để trang bị cho từ 2 - 3 phi đội, tùy theo quy mô lớn bé của mỗi phi đội. Chính phủ Hà Lan cho biết họ vẫn để ngỏ khả năng mua sắm thêm máy bay chiến đấu thế hệ mới trong tương lai, nếu điều kiện ngân sách cho phép.


Vừa qua, Không quân Thụy Điển cũng được "hà hơi, tiếp sức" khi giới chính trị gia bỏ phiếu thuận cho kế hoạch mua máy bay chiến đấu đa năng Gripen NG của hãng Saab hôm 18/9. Là biến thể từ tiêm kích đa năng Gripen, Gripen NG có khả năng thực hiện vai trò của một máy bay trinh sát, tiêm kích đánh chặn và tấn công mặt đất. Dài hơn 14 m, cao 4,5 m, sải cánh 8,4 m, Gripen NG có thể mang 6 tấn vũ khí, với hệ thống hỏa lực khá mạnh như pháo Mauser 27mm do Đức sản xuất, tên lửa, bom, thiết bị đối kháng điện tử... Tiến trình chấp thuận kế hoạch mua Gripen NG đang được triển khai, và có thể sẽ dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Đó chính là những khó khăn và thử thách mà Không quân Thụy Điển phải vượt qua trước khi có được vũ khí mới nhằm củng cố sức mạnh trên bầu trời.


Để khắc phục tình trạng cắt giảm các hợp đồng mua mới, nhiều nước châu Âu đã tìm cách nâng cấp và cải tiến những thế hệ máy bay chiến đấu hiện đang được phiên chế cho không quân. Sức mạnh không quân của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào số lượng máy bay mà họ sở hữu. Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu tiếp tục cắt giảm các đơn đặt hàng với số lượng ngày càng co lại, tiềm lực cũng như khả năng tác chiến của không quân các nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.


Lê Phương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN