'Sức khỏe' nền kinh tế Mỹ và lá phiếu cử tri

Nước Mỹ đang giữa mùa bầu cử, bên cạnh các vấn đề an sinh xã hội hay chính sách đối ngoại, tình hình kinh tế chính là một trong những yếu tố được cử tri quan tâm nhất, có thể tác động trực tiếp tới kết quả bầu cử tháng 11 tới.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở California, Mỹ, ngày 15/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 29/5, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tài liệu chuyên sâu có tên là Sách Beige, trong đó đánh giá nền kinh tế số một thế giới tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, song rủi ro suy thoái vẫn còn; tăng trưởng không đồng đều tại các khu vực, chi tiêu bán lẻ không đổi cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn khá thận trọng trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt sâu.

Theo tài liệu này, kinh tế Mỹ thời gian qua chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ, tăng trưởng tiền lương ở mức trung bình và về ngang mức trước đại dịch COVID-19. Thị trường bất động sản cũng chững lại và không có nhiều biến động do lo ngại về nguồn cung, điều kiện tín dụng thắt chặt và chi phí đi vay vẫn ở mức cao. Về tổng thể, Fed ghi nhận nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng thiếu chắc chắn và nguy cơ suy thoái lớn hơn. Với số liệu mới nhất được Fed công bố trong sách Beige tháng 5, Công cụ FedWatch của CME Group dự báo có tới 99,1% ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản sau cuộc họp chính sách tháng 6 tới.

Theo số liệu công bố ngày 30/5 của Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế số một thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1,3% trong quý I của năm bầu cử, tức là dưới mức dự báo 1,6% đưa ra hồi đầu năm.

Trong bối cảnh ngày bầu cử đang tới gần, các số liệu kinh tế mới rõ ràng là một tin không vui với đương kim Tổng thống Joe Biden, người đang quyết tâm một lần nữa đánh bại ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump để tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 4 năm.

Theo một điều tra của tổ chức chính trị xã hội Apsapreprints, hiệu quả điều hành kinh tế luôn là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất tới quyết định của cử tri trong tất cả 17 cuộc bầu cử tại Mỹ giai đoạn 1956 - 2020. Giới chuyên gia đánh giá điều này phù hợp với “văn hóa bầu cử Mỹ”, nơi cử tri thường quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề liên quan tới lợi ích sát sườn của họ.

Chuyên gia phân tích kinh tế chính trị Larry Bartels thuộc Đại học Vanderbilt cho rằng kinh tế có ý nghĩa quan trọng, một nền kinh tế mạnh và tăng trưởng sẽ tạo lợi thế rất lớn cho ứng cử viên là tổng thống đương nhiệm. Ngược lại, một nền kinh tế yếu trong năm bầu cử sẽ mang lại nhiều hy vọng và cơ hội cho ứng cử viên thách thức.

Nhìn lại cuộc bầu cử năm 1992, đương kim Tổng thống George H.W Bush (Bush cha) đã thất bại trước ứng cử viên đảng Dân chủ Bill Clinton trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ khi đó chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, kinh tế trì trệ và tăng trưởng tiền lương “giậm chân tại chỗ” kéo dài tới sát ngày bỏ phiếu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Các kết quả thăm dò mới nhất được tiến hành song song với thời điểm Fed công bố sách Beige cũng không có lợi cho Tổng thống Biden. Theo thăm dò của Finacial Times, lạm phát cao và kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng đang khiến nhiều cử tri quay lưng với ông Biden, với 80% số người được hỏi nói rằng giá cả leo thang đang là thách thức tài chính lớn nhất mà họ phải đối mặt; 58% cử tri không tán thành cách Tổng thống Biden điều hành nền kinh tế và chỉ có 28% cử tri cho rằng ông Biden đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Cử tri đổ lỗi cho chính quyền hiện nay làm giá tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và thực phẩm, leo thang.

Trong bối cảnh đó, trong vai “người thách đấu”, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump có vẻ là người hưởng lợi. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng nếu kinh tế từ nay tới ngày bầu cử không khởi sắc và đạt mức tăng trưởng ổn định, ông Trump sẽ có ưu thế lớn hơn Tổng thống đương nhiệm Biden.

Thăm dò dư luận do CNN thực hiện ngay sau khi Fed công bố sách Beige cho hay lạm phát cao và thị trường việc làm ảm đạm đã khiến nhóm cử tri trẻ tuổi và có bằng cấp “quay xe” chuyển sang ủng hộ ông Trump. Thăm dò chung của New York Times/Sienna cũng cho kết quả tương tự khi 46% cử tri độ tuổi từ 18-29 cho biết họ sẽ bầu cho ông Trump, chỉ 43% nói rằng họ vẫn chọn đương kim Tổng thống Biden. Đây là thông tin đáng báo động với đội ngũ tranh cử của ông Biden do ứng cử viên này từng giành số phiếu áp đảo gần như tuyệt đối của nhóm cử tri trẻ tuổi trong cuộc bầu cử năm 2020 và bỏ xa đối thủ Trump tới 24%.

Bà Annie Rogers, một chuyên gia phân tích phát triển kinh doanh làm việc tại New York, cho rằng cử tri Mỹ quan tâm nhất vấn đề kinh tế; tăng lương và thị trường việc làm khởi sắc luôn có sức hút đặc biệt đối với các cử tri trẻ.

Tuy nhiên, trung tâm kinh tế A. Gary Anderson Center cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn có nhiều điểm sáng và không ít cử tri Mỹ tiếp tục đặt niềm tin vào đường lối kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden. Trên thực tế, dù không tăng trưởng ấn tượng, song Mỹ đã tránh được vòng xoáy suy thoái mới, kinh tế phục hồi ấn tượng sau "cơn bão" đại dịch COVID-19.

Từ nay tới ngày bầu cử 5/11 là giai đoạn nước rút nhạy cảm, nếu Tổng thống Biden kịp thời triển khai những điều chỉnh hiệu quả để giảm lạm phát, cải thiện thị trường việc làm… thì đó sẽ là “cú bứt phá” ngoạn mục, có thể mang tính quyết định tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Thanh Tuấn (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
Ông Trump trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội hình sự
Ông Trump trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội hình sự

Phán quyết do bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên tại Tòa án Tối cao Manhattan đưa ra ngày 30/5 đã khiến ông Donald Trump trở thành cựu Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị tuyên phạm tội hình sự. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN