Người dân Nga đã trao trọn niềm tin và hy vọng cho nhân vật từng có vai trò quyết định “hồi sinh” nước Nga từ tình trạng kiệt quệ và rệu rã hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại vị thế một cường quốc có ảnh hưởng như ngày nay.
Chiến thắng cách biệt và đầy thuyết phục của ông Putin trong cuộc bầu cử với 76,66% số phiếu ủng hộ, gấp 6,5 lần so với người đứng thứ hai, là kết quả mang tính lịch sử trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Putin. Trước đó, tỉ lệ ủng hộ cao nhất của ông Putin trong một cuộc bầu cử tổng thống là gần 72% năm 2004, còn trong lần tranh cử đầu tiên năm 2000, ông chỉ giành được hơn 52% số phiếu ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một diễn đàn ở Moskva ngày 15/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vượt xa 7 đối thủ còn lại dù là ứng cử viên độc lập, ông Putin ở độ tuổi 66 đã cho thấy ông không chỉ là một nhà lãnh đạo uy tín, mà thậm chí còn là “biểu tượng tinh thần” của nước Nga. Lời kêu gọi của ông Putin “hãy ra khỏi nhà và tới những điểm bỏ phiếu” để quyết định tương lai đất nước đã được cử tri Nga hưởng ứng nhiệt tình, góp phần đưa tỉ lệ đi bầu trong cuộc bầu cử năm nay đạt trên 67% (cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử tổng thống 6 năm trước và bầu cử Đuma quốc gia năm 2016).
Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin có khá nhiều việc phải làm “để đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển”, trở thành một "nước Nga mạnh mẽ”, có khả năng “tự quyết định tương lai của mình” như cương lĩnh tranh cử mà ông đề ra.
Một lần nữa, người dân Nga lại trao cho ông Putin sứ mệnh nặng nề khi chặng đường phía trước là hàng loạt thách thức to lớn về đối nội và đối ngoại, từ nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc do vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng, vẫn có khoảng 20 triệu người sống dưới mức đói nghèo, sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền cho tới sức ép ngày càng lớn từ các nước phương Tây hay quan hệ gia tăng căng thẳng với Mỹ…
Chính sách của nhà lãnh đạo Nga trong 6 năm tới sẽ xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của người dân Nga, vốn luôn đặt niềm tin ông sẽ tiếp tục chèo lái để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của “xứ sở Bạch Dương”, tiếp tục duy trì vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế, đưa đất nước phát triển hùng mạnh và thịnh vượng.
Trong những nhiệm vụ khó khăn đó, việc đưa nước Nga gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khó thành hiện thực trong 10 năm tới, nếu Nga chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay. Ông Putin sẽ phải thảo luận kỹ với nội các về những biện pháp để đạt mục tiêu đưa “tăng trưởng kinh tế Nga cao hơn mức trung bình của thế giới”, và GDP tăng gấp 1,5 lần hiện nay, trong khi chưa có dấu hiệu cho thấy môi trường bên ngoài của Nga sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai gần, đặc biệt là ở hướng Tây.
Nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng nhưng lại đầy khó khăn là cải cách cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm/hàng hóa “made in Russia” (được sản xuất tại Nga). Với mức giá dầu như hiện nay, chính quyền Tổng thống Putin sẽ có quyết tâm và động lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa để nước Nga thời đại 4.0 không rơi vào “tình trạng lạc hậu công nghệ, dẫn đến làm suy yếu, xói mòn tiềm năng con người, làm giảm an ninh và các cơ hội kinh tế của đất nước”.
Có vẻ như Tổng thống Putin đã nhận ra vật cản trên con đường tiến lên “công nghệ hóa” chính là cơ chế - chính sách. Trong Thông điệp liên bang lần thứ 14, người đứng đầu nước Nga đã kêu gọi trong thời gian sớm nhất phải xây dựng cơ sở pháp lý và loại bỏ mọi rào cản đối với việc phát triển và sử dụng kỹ thuật robot, trí tuệ nhân tạo, giao thông không người lái, thương mại điện tử, công nghệ xử lý dữ liệu lớn và các công nghệ tiên tiến khác.
Ông đặt nhiệm vụ Nga phải trở thành một trong những trung tâm xử lí và và lưu trữ những khối lượng lớn dữ liệu thông tin. Người dân của nước Nga thời đại 4.0 cũng sẽ được đảm bảo tiếp cận nhanh chóng với Internet tốc độ cao thông qua hệ thống cáp quang và mạng lưới vệ tinh của Nga. T
ổng thống Putin nhấn mạnh những thay đổi trên thế giới mang tính văn minh và quy mô của thách thức này đòi hỏi nước Nga phải có câu trả lời cũng mạnh mẽ như vậy, dựa trên sự đoàn kết xã hội, sức mạnh của toàn dân và phát huy được những tiềm năng to lớn. Sự tụt hậu được xác định là nguy cơ chính và là kẻ thù đối với sự phát triển của đất nước.
Do đó, Tổng thống Putin sẽ ưu tiên cho việc phát triển công nghệ, hiện đại hóa nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và quản lý nhà nước nhằm tận dụng được tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 6 năm tới, ông Putin sẽ không quên tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, các giá trị đạo đức - tinh thần Nga truyền thống đến toàn thể người dân Nga. Trong 14 năm đảm nhiệm cương vị Tổng thống và 4 năm làm Thủ tướng của một quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, với hơn 170 dân tộc anh em, nói hơn 100 thứ ngôn ngữ khác nhau, ông Putin đã làm khá tốt điều này.
Về chính sách an ninh - quốc phòng, Nga sẽ tiếp tục triển khai Học thuyết quân sự được Tổng thống Putin thông qua cuối năm 2014 và Chiến lược An ninh quốc gia năm 2016. Nga sẽ đáp trả các nguy cơ và thách thức an ninh - quân sự một cách tương xứng, song có thể bằng những biện pháp “bất đối xứng”.
Ngoài ra, Nga đang chế tạo các hệ thống vũ khí mới đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký năm 1972, cũng như triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) bên ngoài lãnh thổ Mỹ, gần biên giới Nga. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Nga sẽ tiếp tục được thực hiện, với việc triển khai Chương trình trang bị vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2028.
Về đường lối đối ngoại, ít khả năng chính quyền của Tổng thống Putin sẽ sớm soạn thảo một chiến lược đối ngoại mới, do Nga cơ bản đã chủ động đề ra các biện pháp ứng phó tương đối phù hợp, trên cơ sở đánh giá khá sát tình hình thế giới và khu vực trong mấy năm gần đây. Người dân Nga nhìn chung có thể tự hào về vai trò gia tăng của Nga trong giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng nhất.
Do đó, nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục triển khai Khái niệm chính sách đối ngoại năm 2016 (vốn được soạn thảo dựa trên hàng loạt các văn kiện quan trọng khác hoạch định đường lối đối nội, đối ngoại, an ninh quốc phòng của nước Nga), với đường lối đối ngoại tự chủ và hướng tới một thế giới đa cực. Tuy nhiên, về mặt chiến thuật hoặc trong trung hạn, Nga có thể sẽ đưa ra những điều chỉnh theo một số hướng.
Trước hết là việc đẩy mạnh chiến lược “xoay trục sang hướng Đông”. Trong bối cảnh hiện nay, Nga sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn đến các nước châu Á, cũng như chú ý hơn đến các tổ chức khu vực gắn liền với lục địa Á - Âu như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ông Putin sẽ thúc đẩy sáng kiến “Đại Á - Âu”, tìm kiếm sự đồng thuận và ủng hộ của các nước trên toàn lục địa Á - Âu để tạo ra một không gian kinh tế mở, qua đó đưa Nga trở thành một cường quốc Á - Âu thực thụ.
Trong nhiệm kỳ thứ 4 của mình, không loại trừ khả năng, Tổng thống Putin có thể hoàn thành mục tiêu mà ông đã ấp ủ và theo đuổi trong nhiệm kỳ 3, đó là nâng cấp quan hệ với ASEAN lên tầm “đối tác chiến lược”. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt cũng sẽ có thêm nhiều động lực mới để phát triển khi Tổng thống Putin, người vốn được coi là “kiến trúc sư” của quan hệ Nga-Việt trong giai đoạn mới, tái đắc cử.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động hợp tác, đối ngoại của Nga với các tổ chức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) nói chung, với Mỹ, Anh, Ukraine, Ba Lan, các nước Baltic nói riêng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vì “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Mặc dù Nga luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại và hợp tác với Mỹ và đồng minh, song cơ hội để cải thiện quan hệ song phương là khá thấp.
Nước Nga, với thế và lực đang gia tăng, sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình ở những khu vực ảnh hưởng truyền thống. trong khi Mỹ và phương Tây lại không muốn chấp nhận thực tế sự lớn mạnh của nước Nga hiện nay, coi sự khôi phục sức mạnh và ảnh hưởng của Nga là “mối đe dọa”, là “nguy cơ đối với an ninh quốc gia”, là “thách thức về quân sự”.
Trên thực tế, lâu nay Mỹ và phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự “trỗi dậy” của Moskva, kể cả can thiệp nhằm làm suy yếu nhà nước Nga, gây chia rẽ xã hội Nga. Về phần mình, khi cần bảo vệ lợi ích, danh dự cũng như chủ quyền đất nước, Chính quyền của Tổng thống Putin sẵn sàng chơi sòng phẳng, “ăn miếng trả miếng”, từ đó vòng xoáy “kiềm chế, ngăn chặn” sẽ được lặp lại. Khả năng cải thiện quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga với phương Tây vẫn còn xa vời.
Ngoài ra, với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Nga sẽ tiếp tục đóng góp vào các hồ sơ quốc tế nóng, phối hợp với các nước để đối phó với những mối đe dọa phức tạp đang ngày càng gia tăng hiện nay, bảo đảm an ninh chung. Điều này sẽ củng cố hơn nữa vai trò và vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.
Có thể nói, tìm ra được những khẩu hiệu thu hút cử tri đã khó, thực hiện tốt được những khẩu hiệu đó còn khó hơn. Cương lĩnh tranh cử của ông Putin và những hướng đi chính trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nga những năm sắp tới đã được thể hiện rõ trong Thông điệp liên bang 2018 và bây giờ là lúc ông Putin bắt tay vào thực hiện các cam kết, để hoàn thành sứ mệnh to lớn mà người dân Nga, với niềm tin và hy vọng, đã trao gửi cho ông.