Saudi Arabia và tham vọng thiết lập Liên minh vùng Vịnh

Lo ngại tác động của làn sóng “Mùa xuân Arập”, tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tháng 12/2011, Saudi Arabia đã đưa ra ý tưởng thành lập Liên minh vùng Vịnh (GU). Sau hơn 2 năm, ý tưởng này dường như đang dần trở thành hiện thực, với cái đích mà Saudi Arabia đặt ra là thúc đẩy sự ra đời của GU ngay trong năm 2014.

Saudi Arabia – đầu tàu thúc đẩy sự hình thành GU

Hội nghị thưởng đỉnh GCC lần thứ 34 tại Kuwait, từ 10 - 11/12/2013. Ảnh: Reuters


Năm 2013, thế giới Arập nói riêng và dư luận quốc tế nói chung đã chứng kiến các phát biểu, bước đi đầy dứt khoát của Saudi Arabia trong chính sách đối ngoại: Đó là việc từ chối ghế Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, không ngần ngại chỉ trích chính sách của Mỹ tại Trung Đông, tuyên bố sẵn sàng “tự hành động” để bảo đảm an ninh khu vực. Một trong những lý do quan trọng đưa đến sự quyết đoán của Saudi Arabia trong lời nói và hành động của mình là: Vương quốc này đang là đầu tàu trong nỗ lực đưa GCC trở thành GU theo đúng mô hình của liên minh châu Âu (EU), với 2 trụ cột hợp tác quan trọng là quân sự và kinh tế.

Sự nổi lên của Saudi Arabia và ý tưởng ra đời GU diễn ra trong bối cảnh diễn biến chính trị tại khu vực và quốc tế có sự biến động lớn, đáng chú ý nhất là việc phương Tây đột ngột chối bỏ can dự “cứng” vào các cuộc xung đột ở thế giới Arập, điển hình là ở Syria. Từ năm 1945, Saudi Arabia đã mặc nhiên trở thành đồng minh tin cậy và lâu đời nhất của Mỹ tại khu vực, luôn kề vai sát cánh cùng Mỹ trong các cuộc chiến tranh Arập - Israel, chiến tranh Iran - Iraq, chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Iraq, can dự ở Afghanistan... Nhưng thời gian thay đổi và mọi thứ theo đó cũng chuyển biến theo. Chứng kiến sự “ngập ngừng” của Mỹ trong xử lý điểm nóng Syria, thái độ thiên vị của Washington trong vấn đề Israel - Palestine, Saudi Arabia và các đồng minh trong khu vực đã bắt đầu theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và quyết đoán hơn.

Quy mô nền kinh tế Saudi Arabia trong năm 2013 đã đạt tới 745,3 tỉ USD, thực sự trở thành đầu tàu kinh tế và tài chính tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) - chiếm 22% GDP của MENA, 27,2% của thế giới Arập và 45,6% trong GU theo đề xuất. Nền kinh tế của vương quốc này hiện đứng hàng thứ 19 thế giới và dự kiến sẽ gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỉ USD” vào năm 2017. Không những vậy, Saudi Arabia còn là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lửa đứng đầu thế giới. Nhưng con số còn trở nên ấn tượng hơn khi xem xét trong mối tương quan của khối GCC. GCC có GDP ở mức 1.630 tỉ USD, gần tương đương với Ấn Độ (1.750 tỉ USD). Không những vậy, GCC còn là khu vực có nguồn dự trữ ngoại tệ đứng hàng thứ 2 thế giới, với khoảng 2.000 tỉ USD, riêng Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia (SAMA) đóng góp tới 900 tỉ USD.

Liên minh kinh tế, quân sự - hai trụ cột của GU

Đi theo mô hình của EU, kế hoạch thiết lập GU đầy tham vọng của Saudi Arabia được cho là tập trung vào 2 trụ cột chính là quân sự và kinh tế. Ý tưởng thiết lập một Ngân hàng Trung ương vùng Vịnh đã được đưa ra từ 2 năm trước đây. Tại Hội nghị Thượng đỉnh GCC vừa qua (10-11/12/2013) ở Kuwait, Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain và Qatar đồng ý với kế hoạch này, dự kiến sẽ cho phát hành đồng tiền chung vào đầu năm 2015. Liên minh tiền tệ này chỉ gặp phải một cản trở không đáng kể, do một chút “lưỡng lự” của hai thành viên còn lại là Oman và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, với việc cả 6 thành viên đồng ý để Ngân hàng Trung ương này đặt trụ sở ở Riaydh, cam kết tiếp tục nghiên cứu về chính sách tiền tệ và cơ chế phát hành đồng tiền chung, dường như một khu vực đồng tiền chung thống nhất trong GU sẽ trở thành hiện thực trong một vài năm tới. Liên minh về năng lượng cũng là một khía cạnh hợp tác quan trọng. Các nước thành viên GCC đã tính đến việc củng cố các thị trường năng lượng quốc tế, với mức sản lượng trong vùng là 20,2 triệu thùng/ngày, trong đó có 16 triệu thùng giành cho xuất khẩu. Khi hình thành, GU sẽ nắm giữ 90% năng lượng dầu mở toàn cầu chưa khai phá.

Quân đội Saudi Arabia đóng vai trò nòng cốt trong liên minh quốc phòng - an ninh của GU. Ảnh: Reuters


Quốc phòng và an ninh là trụ cột quan trọng không thể bỏ qua trong đề án thiết lập GU. Tại Hội nghị thượng đỉnh GCC vừa qua, các nước thành viên của Tổ chức này đã đi đến thống nhất thành lập một bộ chỉ huy quân sự thống nhất, nhằm tăng cường an ninh và ổn định cho thành viên trong Hội đồng, xây dựng hệ thống phòng thủ an ninh tập thể. Bộ tư lệnh này dự kiến sẽ đặt trụ sở ở thủ đô Riyadh của Saudia Arabia, với quân số thường trực vào khoảng 100.000 quân, trong đó Saudi Arabia sẽ đóng góp từ 50.000 - 70.000 quân. Khối liên minh về quốc phòng - an ninh này được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong xử lý, đối phó với các diễn biến tại khu vực MENA, đặc biệt là những thách thức đến từ Iran và Syria.


HT (Tổng hợp)

 Saudi Arabia tự hành động để đảm bảo an ninh khu vực
Saudi Arabia tự hành động để đảm bảo an ninh khu vực

Đại sứ Saudi Arabia tại Vương quốc Anh Mohammed bin Nawaf bin Abdulaziz nhận định các chính sách của Phương Tây đối với Iran và Syria là một "sự cá cược mạo hiểm" và Saudi Arabia sẵn sàng tự hành động để đảm bảo an ninh khu vực.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN