Phân tích nguyên nhân và triển vọng cuộc khủng hoảng tại Xyri, “Tạp chí Âu - Á” ngày 22/10 cho rằng, sau cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moamer Kadhafi, nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu Tổng thống Xyri, Bashar al-Assad, có thể tiếp tục tránh được đòn trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hay không? Và liệu Xyri có trở thành Libi thứ hai hay không?
Toàn cảnh cuộc họp Ngoại trưởng Liên đoàn Arập ở Cairo ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc biểu tình diễn ra tại hai nước có điểm giống nhau là cùng phản đối và đòi các nhà lãnh đạo từ chức, nhưng phong trào biểu tình ở hai nước phát triển theo những xu hướng khác nhau. Nhà lãnh đạo Libi Kadhafi bị sụp đổ, Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) đứng vững và được LHQ công nhận là chính quyền hợp pháp tại Libi, trong khi đó Tổng thống Xyri Bashar al-Assad vẫn giữ ưu thế. Rõ ràng, tính năng động và uyển chuyển của thể chế chính trị tại Xyri khác Libi.
Mặc dù không đồng tình với các nghị quyết chống Libi, nhưng Nga và Trung Quốc không dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn NATO khi tổ chức này được LHQ trao quyền hành động chống Libi. Trong khi đó, hai nước này đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của LHQ lên án Xyri đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập. Tuy phương Tây, nhất là Mỹ, nghi ngờ tính hợp pháp của chế độ Assad, nhưng lại không dám hành động mạnh mẽ để thay đổi chế độ ở Xyri như đã thực hiện tại Libi. LHQ quyết định đưa Libi ra Tòa Hình sự Quốc tế nhưng vẫn do dự đối với Xyri. Trong khu vực, Liên đoàn Arập kêu gọi cộng đồng thế giới thiết lập khu vực cấm bay ở Libi, nhưng lại phản đối bất cứ biện pháp sử dụng vũ lực nào chống Xyri.
Có sáu lý do giải thích tại sao Mỹ, các đồng minh phương Tây, các tổ chức quốc tế và khu vực khó có thể biến Xyri trở thành Libi thứ hai:
Thứ nhất, mặc dù Xyri là mối lo ngại của Ixraen và Mỹ, nhưng hai nước vẫn muốn Tổng thống Assad tiếp tục lãnh đạo Xyri. Từ lâu, gia đình ông Assad đã tạo được uy tín rất lớn về tôn giáo và được coi là những người thuộc giới ôn hòa trong xã hội, trong khi đó lực lượng chống ông Assad lại là những người theo đường lối cứng rắn. Thực tế, giới lãnh đạo ở Xyri càng cứng rắn càng khiến Ixraen lo lắng. Trong thời gian ông Assad nắm quyền, biên giới của Ixraen với Xyri tương đối hòa bình. Vì vậy, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây trở nên do dự trong việc lật đổ dòng họ Assad.
Thứ hai, bất cứ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài vào Xyri cũng sẽ gây bất ổn nghiêm trọng trong khu vực và có thể nhấn chìm các nước láng giềng như Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Baranh, Irắc...
Thứ ba, phe đối lập tại Libi nhanh chóng được tổ chức và trang bị các loại vũ khí thích hợp, lại được NATO viện trợ quân sự và liên tiếp tấn công bằng không quân chống chế độ Kadhafi, trong khi đó giới lãnh đạo biểu tình tại Xyri thường mâu thuẫn với nhau về phương thức đấu tranh chống chính quyền.
Thứ tư, ông Kadhafi mất phần lớn sự ủng hộ của dân chúng, ngoài một số bộ lạc ở khu vực Sirte và xung quanh. Ngược lại, ông Assad vẫn được đa số dân chúng cả nước ủng hộ, kể cả giới kinh doanh và những người Thiên chúa giáo ở Đamát. Quân đội Xyri chủ yếu là người Shi'ite và căm ghét một chính phủ của người Sunni hậu Assad.
Thứ năm, Libi là nước sản xuất dầu mỏ nhiều hơn Xyri. Rõ ràng, Xyri có triển vọng kinh tế ít quan trọng hơn Libi. Vì vậy, lý do mà Mỹ và phương Tây quan tâm đến Xyri chủ yếu là động cơ chính trị chứ không phải kinh tế như Libi.
Thứ sáu, tính tình của giới lãnh đạo Libi rất khác giới lãnh đạo Xyri. Ông Assad được coi là nhà chính trị chín chắn và lịch thiệp trong việc quản lý sức ép của quốc tế. Ông ta rút khỏi việc tranh cử Hội đồng Nhân quyền của LHQ và tổ chức đàm phán với cộng đồng quốc tế sau một cuộc đàn áp những người biểu tình. Còn nhà lãnh đạo Libi không làm như vậy.
Thái độ lưỡng lự sử dụng biện pháp quân sự của Mỹ và phương Tây cho thấy họ có thể để ông Assad tiếp tục nắm quyền, bất chấp mọi sức ép đòi nhanh chóng áp dụng giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xyri. Và sau thất bại của một nghị quyết lên án Xyri tại HĐBA vừa qua, cộng đồng quốc tế chỉ còn cách ngồi chờ các nước thành viên đồng thuận và đưa ra một chiến lược mới đối với Xyri.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)