Quyền lực khí đốt của Nga đang "bay hơi"?

Để tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới, đồng thời tránh nguy cơ "gà nhà đá nhau", chính phủ Nga đã quyết định điều chỉnh chiến lược xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) - một công cụ hữu hiệu giúp Mátxcơva nối dài ảnh hưởng và quyền lực, từ đó khôi phục vị thế nước lớn.

 

Hiện chỉ có tập đoàn Gazprom được độc quyền xuất khẩu mọi sản phẩm khí đốt của Nga.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ phận Tư vấn và Phân tích Kinh tế (EIU) thuộc Tập đoàn "The Economist" (Anh) hôm 14/3, chiến lược này có nguy cơ lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" do giá khí đốt của Nga vẫn khá cao trong khi nhiều nước châu Âu và châu Á đang ráo riết tích trữ năng lượng, đề phòng những bất trắc của thị trường.


Dự kiến vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải đưa ra quyết định liệu có cho phép hãng Novatek xuất khẩu LNG từ mỏ Nam Tambey ở bán đảo Yamal hay không? Theo luật hiện hành của Nga, chỉ có tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước được độc quyền xuất khẩu mọi sản phẩm khí đốt. Nếu không được phép xuất khẩu, Novatek có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm nguồn tài chính cho dự án Nam Tambey.


Trước đó, hôm 13/2, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Phát triển Chiến lược ngành Năng lượng và Nhiên liệu, ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với Nga trong việc gia tăng sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm khí đốt xuất khẩu. Mátxcơva thiệt hại hàng tỷ USD khi các thị trường truyền thống ở châu Âu lâm vào suy thoái và giá cả giảm đáng kể. Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và đang hướng tới mục tiêu tăng thị phần LNG trên toàn cầu, chứ không dừng lại ở mức 3,6% hiện nay.


Khi triển khai chiến lược ở thị trường châu Á, Nga sẽ phải giải bài toán khó: vai trò độc quyền của Gazprom. Hiện tập đoàn này nắm quyền kiểm soát cơ sở xuất khẩu LNG duy nhất của Nga ở dọc bờ biển phía Đông, do hãng Shell và các đối tác Nhật Bản xây dựng, thuộc dự án Sakhalin - 2. Công suất của cơ sở này là 10 triệu tấn/năm, tương đương với khoảng 13,6 tỷ m3. Đầu năm nay, Gazprom tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy với công suất thiết kế 10 - 20 triệu tấn ở gần Vladivostok để đảm bảo nguồn cung cho thị trường châu Á. Trong khi đó, hãng dầu mỏ Rosneft thuộc sở hữu nhà nước liên doanh với công ty ExxonMobil đang tìm cách xây dựng một cơ sở xuất khẩu LNG cho dự án Sakhalin - 1. Chủ tịch Rosneft Igor Sechin cho rằng chỉ có khí đốt được khai thác ở ngoài khơi mới không thuộc độc quyền xuất khẩu của Gazprom (ám chỉ dự án ở Sakhalin - 1 liên doanh với ExxonMobil), và Novatek vẫn nên thông qua vai trò của tập đoàn nhà nước này.


Ngay cả trong điều kiện "trời yên, biển lặng", thì chiến lược tự do hóa hoạt động xuất khẩu LNG của Nga vẫn vấp phải khó khăn. Vậy mà ở đây, tình hình đã đi quá xa so với mức bình thường. Thứ nhất, việc châu Âu nhập khẩu một khối lượng lớn than đá giá rẻ từ Mỹ, cộng với số LNG được vận chuyển bằng đường biển, đã giúp bình ổn thị trường châu lục ở mức giá thấp hơn so với nguồn hàng nhập từ Nga. Khách hàng của Gazprom hạn chế mua vào và đòi giảm giá. Điều tất yếu là doanh thu cũng như thị phần của Gazprom ở châu Âu hiện nay đã giảm đáng kể so với mức năm 2008. Chưa rõ đây mới chỉ là hiện tượng tạm thời, hay một sự thực mà Gazprom phải chấp nhận.


Thứ hai, nỗ lực dự trữ khí đốt của nhiều nước đã phủ mây đen lên triển vọng xuất khẩu LNG của Nga sang thị trường chủ chốt châu Âu. Nhờ lượng khí đốt dự trữ này, các nước đều cắt giảm kim ngạch nhập khẩu từ nay đến năm 2020. Thứ ba, Nga đang đứng trước những thông tin khá bất lợi tại thị trường châu Á. Ôxtrâylia và một số nước đang triển khai dự án sản xuất LNG của riêng mình, trong khi đó Trung Quốc cũng tăng cường kho dự trữ. Thực tế này đã "dội nước lạnh" vào tham vọng mở rộng vành đai ảnh hưởng về khí đốt của Nga.


Thị phần khí đốt của Nga trên thế giới có xu hướng giảm xuống, và hiện nay họ cũng không còn toàn quyền định giá được nữa. Tình hình rất đáng báo động, buộc ông Putin phải điều chỉnh chiến lược để nâng cao tính cạnh tranh, sản lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, Nga khó có thể đạt được mục tiêu mở rộng thị phần trên toàn cầu trong 10 năm tới nếu Gazprom vẫn nắm độc quyền về xuất khẩu LNG. Tự do hóa hoạt động xuất khẩu được coi là điểm mấu chốt trong tiến trình điều chỉnh chiến lược khí đốt của Nga. Điều khiến ông Putin băn khoăn hiện nay là làm thế nào để các nhà sản xuất Nga không cạnh tranh lẫn nhau, tránh nguy cơ rớt giá. Có thể Điện Kremlin sẽ tính tới phương án phân chia thị trường cho các nhà sản xuất. Ví dụ, Gazprom vẫn nắm thị trường châu Âu, còn ở châu Á sẽ là thị trường linh hoạt hơn. Và như vậy, quyết định của ông Putin đối với dự án Yamal của Novatek sẽ là bước đi đầu tiên để khởi động tiến trình tự do hóa hoạt động xuất khẩu LNG nhằm cứu vãn quyền lực khí đốt của Nga trong thời gian tới.


Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN