Quan hệ Nhà Trắng và quân đội Mỹ đứng trước thử thách ngặt nghèo

Giới cựu tướng lĩnh Mỹ cảnh báo rằng sự tôn trọng dành cho quân đội có thể không còn nếu như nhà lãnh đạo Mỹ có ý lôi kéo lực lượng này vào các vấn đề chính trị trong nước.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, bang New York ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal, phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước làn sóng bạo lực khởi phát từ các cuộc biểu tình sau cái chết của công dân da màu George Floyd đã đặt quan hệ dân sự-quân sự trước thử thách khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỉ. 

Ý định triển khai quân đội của Tổng thống Trump để dẹp biểu tình đã vấp phải sự phản đối từ Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley. Riêng tướng Milley đã thừa nhận đã “mắc sai lầm” khi đi cùng Tổng thống tới nhà thờ St. John hôm 1/6 và xuất hiện trong bức ảnh chụp chung. 

Theo các cựu tướng lĩnh, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc và giới học giả, những diễn biến mới này đã làm này sinh vấn đề kéo lực lượng vũ trang dính líu vào chính trị nội bộ, thách thức bản sắc của quân đội Mỹ dưới góc độ là một thiết chế chính trị đứng ngoài khác biệt đảng phái. 

Theo Tướng Joseph Votel, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), quân đội đóng vai trò then chốt trong trật tự hiến pháp và là thiết chế có uy tín nhất tại Mỹ. Quân đội Mỹ tôn trọng kiểm soát dân sự và đại diện cho người dân, là một tổ chức không đảng phái.

Hôm 13/6, ông Trump đã cơ bản đã lướt qua những chủ đề này khi có bài phát biểu chào mừng tại lễ tốt nghiệp của 1.100 học viên tại Học viện Quân sự West Point. Ông đề cập đến căng thẳng chủng tộc và chính trị sau cái chết của George Floyd và nhấn mạnh vài trò của các thiết chế, nhất là Vệ binh Quốc gia, trong việc đưa đất nước vượt ra khủng hoảng. 

Ông Peter Feaver, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Duke, nguyên là quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton nhận định: Bài phát biểu của ông Trump không làm leo thang, nhưng cũng không giúp giảm nhiệt tranh cãi liên quan đến chủ đề kiểm soát các quan hệ dân sự-quân sự của Tổng thống đương nhiệm. 

Quân đội Mỹ đã một số lần triển khai quân thường trực trong phạm vi nước Mỹ. Đó là khi chính quyền thực thi sắc lệnh hợp nhất trường học cho cả học sinh da trắng và da màu ở Arkansas trong những năm 1950, hay trong vụ lập lại trật tự sau các cuộc bạo động ở Los Angeles năm 1992 khởi nguồn từ việc tòa án tha bổng viên cảnh sát có hành vi bạo lực đối với công dân da đen Rodney King. 

Trong cả hai trường hợp này, giới chức bang, thành phố đều đề nghị chính quyền liên bang can thiệp. Còn trong các cuộc biểu tình vừa qua, không một thống đốc nào yêu cầu triển khai quân thường trực. 

Căng thẳng giữa Nhà Trắng với Bộ Quốc phòng xuất hiện ngay trong những tháng đầu ông Trump lên nắm quyền, với việc Tổng thống Mỹ sử dụng Lầu Năm Góc như bệ đỡ khi ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với một số nước Hồi giáo. Biện pháp này vượt khỏi thẩm quyền của Lầu Năm Góc. 

Theo ông Robert Gages, người từng đảm nhận các vị trí an ninh hàng đầu trong nhiều đời chính quyền Mỹ, tất cả các tổng thống mà ông có dịp làm việc dưới quyền - từ Ronald Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush tới Barack Obama, đều thích sử dụng quân đội để tạo trụ đỡ. Nhưng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có lẽ là người đẩy xu hướng này lên một nấc mới. 

Hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào, ông Trump công khai tìm cách gắn hình ảnh của mình với quân đội và thể hiện sự ngưỡng mộ khi nói về lực lượng vũ trang. Trong chuyến thăm Lầu Năm Góc hồi tháng 1/2017, ông cam kết với giới tướng lĩnh rằng chính quyền sẽ luôn dựa vào quân đội. Còn trong bài phát biểu tại Học viện West Point mới đây, Tổng thống Mỹ nói nhiều đến gia tăng chi tiêu quốc phòng, khẳng định quyết tâm rút khỏi các cuộc chiến không lối ra và đề cao thành công trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Đánh giá về ông Trump trong cộng đồng quân sự Mỹ cũng không đồng nhất. Ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số cựu binh. Chín nhân vật từng nhận Huân chương danh dự và ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 cho biết họ không lo ngại về sự hiện diện của Tướng Milley, ông Esper và các quan chức cấp cao khác khi tháp tùng ông Trump tới Nhà thờ St. John. 

Trước buổi lễ ở Học viện West Point, hàng trăm cựu sinh viên của ngôi trường danh giá này đã ký thư mở đăng trên mạng, hối thúc các học viên tốt nghiệp vững vàng, cảnh báo họ không bị lôi kéo vào chính trị. Thực tế, tại sự kiện này, Giám đốc Học viện, Tướng Darryl William, cùng nhiều sĩ quan, học viên đều không thể hiện thái độ phản kháng nào hết, một phản ứng được coi là phù hợp với những nguyên tắc đặt ra cho quân đội.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Tổng thống Donald Trump: Nhiệm vụ của quân đội là 'bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ'
Tổng thống Donald Trump: Nhiệm vụ của quân đội là 'bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ'

Nhiệm vụ của các binh sĩ Mỹ là bảo vệ "các lợi ích sống còn của đất nước", thay vì tham gia vào "những cuộc chiến tranh liên miên" ở những nơi xa xôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN