Những ngày vừa qua, nước Nga nóng lên với các cuộc mít tinh của những người ủng hộ cũng như phản đối kết quả cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) mới của nước này hôm 4/12. Các cuộc biểu tình diễn ra không chỉ ở thủ đô Mátxcơva mà còn ở nhiều thành phố trên khắp nước với số người tham gia đông chưa từng thấy trong vòng 20 năm nay (khoảng hơn 50.000 người).
Bất chấp những đánh giá của các phái đoàn quan sát viên quốc tế và các chuyên gia độc lập rằng cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga ngày 4/12 nhìn chung phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp của Liên bang Nga và quốc tế, chỉ 24 giờ sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, các phe đối lập đã tập trung lực lượng, chỉ trích cuộc bầu cử là "bẩn thỉu" nhất thời hậu Xô Viết, là gian lận và không công bằng. Những ngày sau đó, các cuộc biểu tình lớn nhỏ nối tiếp diễn ra tại Mátxcơva, St Petersburg và nhiều địa phương khác ở Nga. Đặc biệt, ngày 10/12, phe đối lập đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Bolotnoe ở thủ đô Mátxcơva với sự tham gia của khoảng 25.000 người và nhiều thủ lĩnh đối lập như Ilya Yashin, Alexei Navalny, Yevgeniya Chirikova, Boris Nemtsov... tố cáo có sự gian lận khi kiểm phiếu, đòi hủy bỏ và tổ chức lại cuộc bầu cử, đòi “Nước Nga không có Putin”. Từ bên ngoài, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng kích động nói rằng cuộc bầu cử vừa qua ở Nga “không công bằng và không tự do”.
Đáp lại các hoạt động phản đối của phe đối lập, ngày 12/12, đảng Nước Nga Thống nhất (UR) đã tổ chức mít tinh rầm rộ tại trung tâm thủ đô Mátxcơva với sự tham gia của hàng chục nghìn người là đảng viên UR và thành viên Mặt trận Nhân dân toàn Nga (ONF) cùng các tổ chức thanh niên ủng hộ chính quyền gồm "Đội cận vệ trẻ UR", "Nước Nga Trẻ" và "Nasi", đại diện công đoàn, các tổ chức cựu chiến binh… bày tỏ quyết tâm ủng hộ chính quyền do UR và bộ đôi Medvedev - Putin đứng đầu, bảo vệ kết quả bầu cử Duma quốc gia. Những người tham dự biểu bình đã hô vang khẩu hiệu: “Vinh quang nước Nga”, những khẩu hiệu ủng hộ UR và bộ đôi Putin – Medvedev, hát quốc ca Nga.
Các cuộc mít tinh của cả hai phía diễn ra trật tự và an toàn, theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ban đầu phe đối lập không đồng tình với kết quả bầu cử đã tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối trái phép, gây ẩu đả với cảnh sát, ngăn chặn giao thông và cản trở hoạt động của nhiều tổ chức, cơ quan, buộc cảnh sát phải bắt giữ tạm giam một số người.
Các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối cũng như ủng hộ làm cho không khí chính trị trong xã hội Nga hiện nay nóng hơn lên trong bối cảnh một cuộc bầu cử quan trọng khác – cuộc bầu cử tổng thống Nga - đang tới gần.
Thủ tướng Putin, đại diện duy nhất của UR, đã chính thức nộp đơn tham gia tranh cử tổng thống Nga nhiệm kỳ 2012 - 2018. Chủ tịch đảng Nước Nga Công bằng (SP) Sergey Mirnov cũng đã được đảng này giới thiệu ra tranh cử với khẩu hiệu “chống tham nhũng, cải cách hệ thống chính trị và kinh tế-xã hội ở Nga”. Còn đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) chắc chắn sẽ đề cử Chủ tịch đảng Ghennady Ziuganov và đảng Tự do Dân chủ (LDPR) sẽ giới thiệu ông Vladimir Girinovski ra tranh cử tổng thống mới của Nga. Danh sách các ứng cử viên đối lập đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống Nga đến nay có nhà tỷ phú Mikhail Prokhonov, nhà văn Eduard Limonov, cựu Thị trưởng thành phố Vladivostok, Viktor Cherepkov, và Chủ tịch Viện các vấn đề địa chính trị, Thượng tướng Leonid Ivashov.
Mặc dù UR bị giảm sút uy tín trong cuộc bầu Duma quốc gia vừa qua và mất đa số lập hiến trong Duma khóa mới, uy tín của chính ông Putin cũng bị ảnh hưởng, nhưng chắc chắn trên chính trường Nga hiện nay ông Putin chưa có đối thủ xứng tầm, như những người ủng hộ UR từng nói: “Thủ tướng Putin hiện nay là chính khách giàu kinh nghiệm duy nhất ở nước Nga có khả năng lãnh đạo đất nước”… Rất có khả năng ông Putin sẽ là thuyền trưởng chèo lái con tàu Nga tới năm 2018 và thậm chí tới năm 2024.
Những mục tiêu chính của Chiến lược 2020 sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh – xã hội, đấu tranh chống tham nhũng và phân hóa giàu nghèo, nâng cao khả năng quốc phòng của đất nước… Cùng với đó là những thay đổi đã, đang và sẽ diễn ra trong cơ cấu Duma quốc gia khóa VI, trong thành phần nội các, trong phong cách và phương pháp làm việc, trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga...
Có thể nói, đời sống chính trị ở Nga vào thời điểm này không được yên bình như thời điểm sau cuộc bầu cử Duma quốc gia năm 2007. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường; nhà máy, công sở vẫn hoạt động mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào; các cửa hàng, siêu thị tấp nập người mua sắm Tết. Chính phủ nước này vẫn duy trì và bảo đảm cuộc sống bình thường cũng như các quyền tự do, dân chủ cho người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiềm ẩn còn nhiều yếu tố tiêu cực khó lường, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nước Nga cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức mà để vượt qua thì sự đoàn kết và ổn định là hai nhân tố đặc biệt quan trọng. Với sự mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe, tất cả vì lợi ích chung của nước Nga và nhân dân Nga, chính quyền của bộ đôi Medvedev và Putin nhất định sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp, ngày càng đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn của các tầng lớp và lực lượng trong xã hội trong khi vẫn giữ nghiêm phép nước.
Cường Dũng - Hồng Quân (P/v TTXVN tại Nga)