Vụ mưu sát bất thành cựu Tổng thống Trump khi ông đang vận động tranh cử ở Pennsylvania đã gây rúng động nước Mỹ, song với giới quan sát thì đây không phải là điều quá ngạc nhiên trong một nền chính trị phân cực, chia rẽ và xu thế đối đầu thay cho thỏa hiệp đang lên ngôi ở nước này.
Lịch sử đã cho thấy bạo lực chính trị không phải là vấn đề mới tại Mỹ, đây vốn là "nỗi đau âm ỉ" và từng rất nhiều lần khiến nước Mỹ trải qua những thời khắc đáng buồn như thế trong mấy thập niên gần đây. Thập niên 60, Tổng thống Robert F. Kennedy và luật sư nhân quyền nổi tiếng Martin Luther King Jr đều bị ám sát. Và kể từ vụ Tổng thống Ronald Reagan bị mưu sát năm 1981 tới nay, danh sách các chính khách và lãnh đạo cấp cao Mỹ đối mặt với bạo lực chính trị ngày một dài thêm.
Đó là cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người chứng kiến chồng mình bị đánh đập ngay tại nhà riêng ở San Francisco mà thực chất hung thủ muốn nhắm vào bà; đó là cựu lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise, người suýt mất mạng trong vụ xả súng hàng loạt năm 2017 ngay bên ngoài trụ sở Quốc hội ở Washington D.C; Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Brett Kavanaugh cũng từng trở thành mục tiêu ám sát…
Kỷ nguyên cựu Tổng thống Trump - Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tiếp tục chứng kiến xu thế căng thẳng và đối đầu gia tăng trong nền chính trị, với sự kiện đáng quên và là một trong những trang u ám nhất lịch sử nước Mỹ khi đám đông ủng hộ ông Trump tấn công Đồi Capitol, biểu tượng quyền lực tối thượng của đất nước, ngày 6/1/2021 để tìm cách ngăn cản chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Hàng nghìn người đã tràn vào tòa nhà Quốc hội, đe dọa các nhà lãnh đạo và Phó Tổng thống Mike Pence, đánh đập cảnh sát và làm bị thương nhiều nhân viên văn phòng.
Giáo sư Robert Lieberman, nhà nghiên cứu khoa học chính trị hàng đầu của Đại học Johns Hopkins, đánh giá nền dân chủ, nền chính trị Mỹ thật ra dễ bị tổn thương và nước này đang đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng thấy. Năm nay, nước Mỹ một lần nữa chứng kiến một chiến dịch tranh cử tổng thống đầy biến động, căng thẳng và bị bao phủ bởi bóng ma bạo lực chính trị.
Giáo sư Lieberman cho rằng tình trạng phân cực, thiếu thỏa hiệp là nguyên nhân dẫn tới bạo lực chính trị tại Mỹ, mà ở đó các lực lượng chính trị coi bầu cử như “cuộc chiến sinh tử” và thắng lợi của bên này sẽ là dấu chấm hết đối với bên kia.
Trong khi đó, Tiến sĩ chuyên ngành chính trị Garen J. Wintemute thuộc Đại học California dẫn một nghiên cứu về môi trường bầu cử năm 2024 cho biết có một bộ phận nhỏ những người được hỏi ủng hộ bạo lực chính trị và họ sẵn sàng có hành động vũ lực trên phương diện cá nhân để giải quyết những khác biệt và đạt được mục đích của mình. Điều đó lý giải vì sao không ít người Mỹ thường mang theo vũ khí tới các sự kiện bầu cử và họ tự hào coi đó là một nét “văn hóa Mỹ”.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia phân tích hành vi nổi tiếng Steve Crimando cho hay nhiều phần tử quá khích chọn cách giải quyết bằng bạo lực đơn giản là xuất phát từ động cơ cá nhân, chứ hoàn toàn không phải là sát thủ mang động cơ chính trị hay ý thức hệ. Hung thủ bắn cựu Tổng thống Trump - Thomas Crooks - có lẽ là một minh chứng khi hồ sơ cho thấy người này có tiểu sử bị bắt nạt và cô lập tại trường học.
Về phần mình, chuyên gia Steve Hernandez - Giám đốc điều hành của The North Group, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp quản trị an ninh mạng – lại cho rằng “thông tin sai lệch (fakenews) là mối đe dọa lớn đối với một nền chính trị và an ninh quốc gia”. Theo ông, trong bầu không khí bầu cử sôi sục và đối đầu chính trị hiện nay ở Mỹ, mỗi thông tin sai lệch có thể nhanh chóng làm trầm trọng thêm các “cung bậc cảm xúc” và kích động hành vi bạo lực.
Vụ ám sát hụt ứng cử viên Trump ở Pennsylvania đã đẩy chiến dịch bầu cử Mỹ năm nay lên cao trào và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả bỏ phiếu. Giáo sư khoa học chính trị Tom Sutton thuộc tổ chức Baldwin Wallace cho rằng các số liệu lịch sử cho thấy ông Trump, với tư cách là nạn nhân bị ám sát hụt, sẽ nhận được nhiều hơn niềm tin chính trị, nhất là từ khối cử tri trung dung. Điều này gia tăng thêm lợi thế cho ứng cử viên đảng Cộng hòa trong một cuộc đua mà ông vốn luôn dẫn điểm. Theo chuyên gia vận động tranh cử Whit Ayres, vụ mưu sát sẽ tạo thêm sức hút cử tri đáng kể cho ông Trump.
Tuy nhiên, không ít nhà quan sát không đồng tình với quan điểm này. Viết trên tờ The Conversation, nhà bình luận Lester Munson nhận định vụ việc sẽ giúp Tổng thống Biden không còn là tâm điểm dư luận sau màn thể hiện không như ý trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với ông Trump. Từ nay tới ngày bầu cử vẫn còn gần 4 tháng, cử tri sẽ dần tĩnh tâm lại và quay về với ứng cử viên mình chọn.
Vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Trump một lần nữa cho thấy “nỗi đau âm ỉ” và xu thế bạo lực chính trị đáng báo động trong xã hội Mỹ. Chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2024 vừa chứng kiến một “khúc cua” có thể sẽ mang tính quyết định. Song dù người chiến thắng ngày bầu cử 5/11 là ai, thì một điều chắc chắn rằng bạo lực chính trị chỉ đẩy nước Mỹ lún sâu hơn vào tình trạng đối đầu và phân cực. Tín hiệu đáng mừng là các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai đảng Dân chủ cũng như Cộng hòa đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi hạ nhiệt và đoàn kết. Có lẽ sau “khúc cua Pennsylvania”, giờ là lúc chính giới Mỹ khởi động một tiến trình hàn gắn vì tương lai nước Mỹ, bắt đầu từ chính cuộc bầu cử này.