"Trong 100 năm nữa, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Những người trẻ tuổi ở Mỹ sẽ không có cuộc sống tốt đẹp như trước đây. Và một số quốc gia sẽ vươn lên thay thế vị trí số một của Mỹ”, chuyên gia Rogers nói.
Và theo ông, mức sống của người dân Mỹ cũng như vị thế của nước Mỹ trên thế giới sẽ tiếp tục bị suy giảm. Mọi quốc gia từng đứng đầu đều phạm sai lầm và chi tiêu rất nhiều tiền rồi lâm vào cảnh nợ nần, sa sút.
Nhà đầu tư Jim Rogers lưu ý rằng 100 năm trước, Anh là quốc gia giữ vị trí số một thế giới, nhưng sau đó đã chi tiêu rất nhiều tiền và chìm sâu vào nợ nần.
"Năm 1976, họ phá sản. Theo đúng nghĩa đen, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải bay tới London và bảo lãnh cho họ, cho họ vay khẩn cấp vì họ đã phá sản, ở mức khủng khiếp. Và thứ duy nhất cứu họ là dầu ở Biển Bắc. Nước Mỹ đang đi theo hướng đó. Nhưng chúng ta không có dầu Biển Bắc để cứu nguy”.
Khi được hỏi về quốc gia nào có thể vượt qua vị trí của Mỹ, nhà đầu tư này nói rằng "đó phải là Trung Quốc", nhưng bày tỏ niềm tin rằng những hạn chế nhất định về tiền tệ có thể ngăn cường quốc châu Á này đứng đầu danh sách các nền kinh tế thế giới.
"Tiền tệ của Trung Quốc không thể chuyển đổi. Nó bị chặn. Bạn không thể đứng thứ nhất với một loại tiền tệ bị chặn. Nó không thể hoạt động được", ông giải thích thêm.
Tuy nhiên, ông Rogers lưu ý rằng người Trung Quốc đang mở rộng đồng tiền của họ, cũng như làm cho nó trở nên dễ giao dịch hơn.
Mỹ đang đứng trước bờ vực phá sản nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden không thuyết phục được các đối thủ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đồng ý nâng trần nợ quốc gia.
Hôm 12/5, Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã cảnh báo Washington phải đối mặt với "rủi ro đáng kể" về vỡ nợ trong vòng hai tuần đầu tiên của tháng 6 nếu các nhà lập pháp không tăng trần nợ mà quốc gia được phép đảm nhận.
Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp hàng đầu về việc nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD sẽ tiếp tục trong tuần này.
Cuộc bầu cử năm 2024 sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế
Chuyên gia Jim Rogers nhận định với Sputnik rằng nền kinh tế Mỹ sẽ gặp rắc rối vào năm 2025 bất kể ai được bầu làm tổng thống tiếp theo.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình vào tháng 4.
"Ông Biden nói rằng sẽ làm mọi cách để tái đắc cử. Và điều đó có nghĩa là ông ấy sẽ chi rất nhiều tiền cho những nơi có tiềm năng nhận được nhiều phiếu bầu", ông Rogers nói.
Khi được hỏi thêm liệu việc ông Biden tái đắc cử có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hay không, nhà đầu tư này nghi ngờ rằng nền kinh tế sẽ " trở nên tồi tệ" vào tháng 11/2024.
Ông Biden một lần nữa có thể đối đầu với người tiền nhiệm thuộc Đảng Cộng hòa là ông Donald Trump. Cựu Tổng thống Trump đã công bố chiến dịch tranh cử từ tháng 11/2022 và hiện là ứng cử viên được yêu thích nhất trong số các đảng viên Cộng hòa đã đăng ký.
Khi được hỏi liệu tài sản bị đóng băng của Nga có thể được chuyển cho Ukraine hay không, ông Rogers cho biết điều đó có thể xảy ra và đã xảy ra.
"Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều đó sẽ lan rộng vì số quốc gia ủng hộ lập trường của Mỹ rất thấp. Tôi nghĩ có khoảng 30 hoặc 35 quốc gia", ông chia sẻ.
Ông lưu ý rằng việc đóng băng tài sản đã xảy ra nhiều lần, nhưng cũng cho biết tài sản sẽ không bị đóng băng sau khi xung đột kết thúc.
Tuy nhiên, ông Rogers cũng cho rằng việc đóng băng tài sản của Nga đã làm xói mòn lòng tin và khiến ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng lo lắng rằng một biện pháp như vậy có thể được sử dụng để chống lại họ, thôi thúc họ tìm kiếm thứ gì đó để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga -trong đó có cả việc đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại tệ của nước này - lên tới khoảng 300 tỷ USD. Chỉ riêng Liên minh châu Âu (EU) đã đóng băng tài sản của các tổ chức và cá nhân Nga trị giá 23,3 tỷ USD, theo Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders.