Những vấn đề quanh Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuần này có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với những cơn gió ngược của cuộc khủng hoảng nợ công đến từ lục địa châu Âu và giữa lúc hai bên đang có những căng thẳng về thương mại.


Theo tin từ chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày 20/9 sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) tại Brúcxen (Bỉ) và dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso.


Trung Quốc đã từng bày tỏ quan ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, và sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại đáng kể từ năm ngoái, một phần là do nhu cầu nước ngoài sụt giảm khiến xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng.


Tuy nhiên hồi tháng 8/2012, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong buổi tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Trung Quốc đã khẳng định rằng bất chấp "những nỗi lo ngại nghiêm trọng", Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đầu tư vào các thị trường ở khu vực đồng euro đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công "với điều kiện phải đánh giá được đầy đủ các nguy cơ". Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường thông tin và trao đổi với EU, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nước chủ chốt để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đồng euro đang mắc nợ.


Châu Âu đã bày tỏ hi vọng rằng Trung Quốc có thể triển khai một phần trong số 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này - mức dự trữ lớn nhất thế giới - để đầu tư vào các quỹ cứu trợ EU.


Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra giữa lúc tình hình nợ của châu Âu mới đây có dấu hiệu cải thiện sau khi ECB tháng này thông báo một kế hoạch mạnh tay mua trái phiếu chính phủ nhằm hạ chi phí vay mượn cho các nền kinh tế đang bị nhiều áp lực. Một quyết định của Tòa án Hiến pháp Đức cho phép nước này tham gia quỹ cứu trợ có tên Cơ chế Bình ổn châu Âu cũng đã làm tăng thêm nhiều sự lạc quan.


Thomas Koenig, Điều phối viên chương trình Trung Quốc của Ủy ban châu Âu về Quan hệ Đối ngoại đặt trụ sở tại Luân Đôn, nói ông hy vọng rằng cuộc khủng hoảng nợ công sẽ dịu bớt để EU có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh. Koenig nói: "Đối với Trung Quốc, điều quan trọng là luôn phải nhấn mạnh tới sự ràng buộc lẫn nhau". Ông cho biết thêm rằng ông đang hy vọng vào "sự đánh giá ngay thẳng hơn về tình hình hiện nay" của mối quan hệ này.


Tuy nhiên, "đám mây" có khả năng sẽ bao phủ chuyến đi của ông Ôn Gia Bảo là tranh cãi thương mại về lĩnh vực năng lượng mặt trời vốn đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Hồi đầu tháng 9, EU đã quyết định điều tra vụ việc một nhóm gồm hơn 20 công ty sản xuất tấm pin mặt trời của EU cáo buộc Trung Quốc đã bán phá giá các sản phẩm cạnh tranh với họ.


Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích quyết định này của EU, nói rằng việc hạn chế trao đổi thương mại có thể làm tổn hại tới cả hai bên. Các công ty trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về khả năng toàn bộ ngành công nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo thống kê của Trung Quốc, năm 2011, nước này đã xuất khẩu các sản phẩm năng lượng mặt trời với tổng trị giá gần 36 tỷ USD, hơn 60% trong số này là sang các nước EU. Trong khi đó, Trung Quốc phải nhập khẩu 7,5 tỷ USD các trang thiết bị cần thiết và nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp này từ châu Âu.


Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán để giải quyết tranh cãi. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào nói với các phóng viên: "Hợp tác giữa hai nước mang lại lợi ích cho cả hai còn đối đầu làm tổn hại tới cả hai". Đồng thời, theo ông, các tranh cãi này "không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới".


Theo AFP

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN