Vào thời điểm Nga và phương Tây đang kình nhau vì cuộc khủng hoảng Ukraine, có hai điều mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tỏ rõ: nỗ lực duy trì đối thoại với Tổng thống Nga đồng thời vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt Moskva.Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo các quan chức và chuyên gia, điểm then chốt của vấn đề là việc Tokyo phải làm sao để tìm ra một giải pháp cân bằng hoàn hảo cho phép nước này vừa bảo đảm các mối quan hệ tốt với Moskva mà lại không làm Mỹ, một đồng minh quan trọng của Nhật Bản, phật ý.
Trong khuôn khổ cuộc gặp tối 9/11 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh (Trung Quốc), chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin dự kiến diễn ra vào mùa thu này, đã chính thức được thông báo bị đẩy lùi vào một “khoảng thời gian thích hợp trong năm sau”. Động thái này của Moskva được cho là nhằm trả đũa các lệnh cấm vận trước đó của Nhật Bản.
Trước cuộc gặp này, xem xét vai trò trước tiên của ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản, các nguồn thân cận với mối quan hệ song phương trên tiên liệu việc định ngày cho chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin sẽ không diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia châu Âu vẫn đang giữ một quan điểm và thái độ cứng rắn với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các lệnh trừng phạt.
Với vị trí trên trường quốc tế của mình, Nhật Bản cũng buộc phải có hành động phù hợp, áp đặt một số lệnh cấm vận như đóng băng tài sản, việc đã làm Bộ Ngoại giao Nga phật ý. Trong một tuyên bố hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi các lệnh cấm vận này là một “động thái không thân thiện” và là “bằng chứng mới cho thấy Nhật Bản không có năng lực theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập”.
Dẫu sao thì, từ Tokyo, người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Abe-Putin đóng vai trò quan trọng trong việc “tăng cường lòng tin” giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin chính phủ Nhật Bản, quan điểm phổ biến trong chính phủ nước này là những quan hệ cá nhân như vậy của ông Shinzo với ông Putin “không thể phá vỡ” sự căng thẳng đã xuất hiện giữa hai quốc gia sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong cuộc gặp mặt mới nhất, mặc dù cố làm nổi bật mối quan hệ gần gũi và gọi ông Putin là ngài “Vladimir” thứ hai, nhưng Thủ tướng Nhật Bản được dẫn lời đã nói với nhà lãnh đạo Nga rằng “tôi hối thúc một cách mạnh mẽ rằng Nga đóng một vai trò xây dựng trong việc cải thiện tình hình ở Ukraine” giữa lúc căng thẳng tại miền Đông Ukraine vẫn duy trì ở mức cao.
Nhiều tháng trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh tại Bắc Kinh, Nhật Bản đã có những động thái nhằm xoa dịu căng thẳng với Nga, bao gồm việc cử cựu Thủ tướng Yshiro Mori, người vẫn giữ mối quan hệ thân thiện với ông Putin, đến Moskva trong tháng 9 để trao bức thư của Thủ tướng Abe đề xuất một cuộc đối thoại.
Theo đánh giá của ông Ken Jimbo, phó giáo sư tại Đại học Keio, một chuyên gia về chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản, thì nước này “vẫn cần gửi đi một thông điệp thẳng thắn với Nga phản đối việc sáp nhập Crimea (Crưm) nhưng điều này không có nghĩa tất cả những kênh đối thoại nên bị hủy bỏ”.
“Nhật Bản ưu tiên chính sách tham gia thay vì một chính sách cô lập với Nga, mặc dù đó sẽ là một sự tham gia có điều kiện, chứ không phải là một sự tham gia đầy đủ. Hoàn toàn cô lập, không liên lạc sẽ không giúp được gì”, ông Jimbo nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia chính trị, việc ông Abe vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì đối thoại với Moskva còn nhằm vào việc tạo bước tiến trong vấn đề tranh chấp tồn tại từ lâu xung quanh quần đảo Hokkaido/Kuril do Nga kiểm soát và Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Nhà phân tích chính trị Minoru Morita cho rằng “vấn đề quần đảo sẽ không được giải quyết một cách dễ dàng nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục đối thoại” và các cuộc hội đàm của hai ông mang đến hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết một ngày nào đó.
Trở lại với Hội nghị Thượng đỉnh APEC, tại Bắc Kinh, ông Abe và Putin vừa qua chỉ đơn giải tái khẳng định chính sách của mình trong việc tiến tới với các cuộc đàm phán để tìm ra một giải pháp chung được đôi bên chấp thuận quanh việc ký kết một hiệp ước hòa bình sau chiến tranh.
Anh Tiếu (Theo Kyodo)