Nhật Bản chuẩn bị ra sao trước 'siêu động đất' thế kỷ?

Trước trận động đất làm rung chuyển nhiều khu vực phía Tây Nhật Bản hồi tuần trước, các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương đã vào cuộc.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Osaki, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, ngày 8/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo đài truyền hình NHK, các nhà khí tượng học đã tập hợp và đưa ra cảnh báo sóng thần tạm thời. Vào thời điểm đó, một ủy ban đặc biệt cảnh báo nguy cơ một “trận động đất lớn” khác có thể xảy ra trong tuần tới. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cơ quan này đưa ra loại cảnh báo toàn quốc trên. Các chuyến tàu cao tốc phải giảm tốc để đề phòng, làm gián đoạn việc đi lại và Thủ tướng Nhật Bản phải hủy các chuyến công du nước ngoài.

Đến cuối cùng, chính phủ đã dỡ bỏ hầu hết các khuyến cáo và báo cáo không có thiệt hại lớn nào từ trận động đất mạnh 7,1 độ.

Tuy nhiên, phần lớn đất nước vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ, chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong mùa du lịch cao điểm kỳ nghỉ hè. Điều này cũng phản ánh sự tập trung cao độ của Nhật Bản vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp như động đất.

Nhật Bản không còn xa lạ với những trận động đất nghiêm trọng. Quốc gia Mặt trời mọc này nằm trên Vành đai lửa, khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa dữ dội ở cả hai phía Thái Bình Dương.

“Nhật Bản nằm trên ranh giới của bốn mảng kiến ​​tạo, khiến nước này trở thành một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới. Khoảng 10% các trận động đất có độ mạnh 6 trở lên trên thế giới xảy ra trong hoặc xung quanh Nhật Bản, nguy cơ mà Nhật Bản phải đối mặt cao hơn nhiều so với những nơi như châu Âu hoặc miền Đông nước Mỹ”, ông Shoichi Yoshioka, Giáo sư tại Đại học Kobe (Nhật Bản), giải thích.

Trong lịch sử, trận động đất tồi tệ nhất mà Nhật Bản hứng chịu là trận động đất Tohoku mạnh 9,1 độ xảy ra vào năm 2011, gây ra thảm họa sóng thần và hạt nhân lớn. Khoảng 20.000 người đã thiệt mạng trong thảm kịch “kép” đó.

Sau trận động đất lịch sử như vậy, các nhà địa chấn học đã cảnh báo về một “siêu động đất” tại Rãnh Nankai với cường độ có thể vượt quá 9 trong vài thập kỷ tới. Việc các nhà khoa học cảnh báo về khả năng trận động đất này có thể xảy ra thường xuyên đến mức người dân và chính quyền coi đây là kiến thức phổ biến. Tuy nhiên, một số nhà khoa học chỉ ra sẽ không hiệu quả nếu chỉ tập trung vào khả năng xảy ra một trận động đất giả định ở một khu vực cụ thể của Nhật Bản, đặc biệt là khi các khu vực khác của đất nước phải đối mặt với các mối đe dọa tương tự nhưng nhận được ít sự chú ý hơn.

Rãnh Nankai là một rãnh chìm dài 700 km hình thành khi các mảng kiến ​​tạo trượt qua nhau. Hầu hết các trận động đất và sóng thần trên thế giới đều do sự chuyển động của các mảng kiến ​​tạo gây ra và trận động đất mạnh nhất thường xảy ra ở các đới hút chìm.

Trong trường hợp này, theo số liệu năm 2013 của Ủy ban Nghiên cứu Động đất Nhật Bản, mảng kiến ​​tạo dưới Biển Philippine đang dần trượt xuống bên dưới mảng lục địa nơi có Nhật Bản, dịch chuyển vài cm mỗi năm.

Theo ủy ban trên, tại Rãnh Nankai, các trận động đất nghiêm trọng được ghi nhận với tần suất 100-200 năm/lần. Trận động đất cuối cùng như vậy xảy ra vào năm 1944 và 1946, cả hai đều có độ mạnh 8,1, gây ra sức tàn phá nghiêm trọng đối Nhật Bản, với tổng số ít nhất 2.500 người chết và hàng nghìn người khác bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Tính toán khoảng thời gian giữa mỗi trận động đất lớn, chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo có tới 70% đến 80% khả năng Nhật Bản sẽ bị rung chuyển bởi một trận động đất khác ở Rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, dự kiến ​​có độ mạnh từ 8 đến 9.

Tuy nhiên, những dự báo này đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ một số khu vực. Giáo sư Yoshioka cho biết con số 70%-80% có thể là quá cao và dữ liệu được lấy từ một lý thuyết cụ thể, khiến nó có nhiều khả năng sai sót.

Trong khi đó, Robert Geller, nhà địa chấn học và giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, bày tỏ sự nghi ngờ, gọi trận động đất ở Rãnh Nankai là một “chuyện bịa đặt”.

Ông cũng lập luận động đất không xảy ra theo chu kỳ mà có thể xảy ra ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào. Điều này có nghĩa là có rất ít điểm tính toán khi nào trận động đất tiếp theo sẽ xảy ra dựa trên thời điểm những trận động đất trước đó xảy ra.

Chú thích ảnh
Tường nhà bị phá hủy sau trận động đất tại Nichinan, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản, ngày 9/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cộng đồng chuẩn bị sẵn sàng

Bất chấp sự phản đối từ một số nhà khoa học, cộng đồng Nhật Bản chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi trong việc chuẩn bị trước các trận động đất lớn tiềm tàng. Toàn dân luôn trong ý thức cảnh giáo cao độ.

Yota Sugai, một sinh viên đại học 23 tuổi, cho biết khi nhìn thấy cảnh báo trên tivi, anh thực sự cảm thấy cấp bách và sợ hãi, giống như một lời cảnh tỉnh. Sau trận động đất ngày 8/8, Sugai ngày lập tức dự trữ nguồn cung cấp khẩn cấp như thực phẩm và nước uống, theo dõi bản đồ trực tuyến về các khu vực nguy hiểm và cân nhắc việc đến thăm người thân ở các khu vực ven biển, giúp họ lên kế hoạch sơ tán.

“Trận động đất vào ngày đầu năm mới nhắc nhở tôi rằng bạn không bao giờ biết khi nào trận động đất sẽ xảy ra. Nó khiến tôi nhận ra sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên”, Sugai đề cập đến trận động đất mạnh 7,5 xảy ra trên Bán đảo Noto vào ngày 1/1, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Sinh viên Mashiro Ogawa, 21 tuổi, cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự, chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp trong nhà và khuyến cha mẹ cũng làm như vậy. Ogawa cũng tránh đi biển vào lúc này và thay đổi đồ đạc trong nhà, chẳng hạn như di chuyển các kệ ra khỏi giường và hạ thấp chiều cao của chúng.

“Trước đây những điều này rất xa lạ, nhưng bây giờ nó có cảm giác rất thực tế”, Ogawa nói.

Một phần lý do khiến mọi người coi trọng vấn đề này là những mất mát nặng nề sau mỗi trận động đất lớn. Thảm họa năm 2011 đã để lại những vết sẹo lớn trong tâm lý người dân và vết thương này càng trở nên trầm trọng hơn bởi những trận động đất lớn sau vài năm lại xảy ra một lần.

Giáo sư Yoshioka bày tỏ: “Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều chứng kiến ​​những mất mát bi thảm về người, các tòa nhà bị nghiền nát và sóng thần tàn phá, để lại ấn tượng sợ hãi lâu dài. Tôi nghĩ điều này góp phần đáng kể giải thích tại sao Nhật Bản lại chuẩn bị sẵn sàng như vậy”.

Megumi Sugimoto, Phó Giáo sư chuyên về phòng chống thiên tai tại Đại học Osaka, cho biết sự chuẩn bị bắt đầu từ trường học, thậm chí các trường mẫu giáo còn tổ chức diễn tập sơ tán và động đất cho trẻ mới biết đi.

“Không chỉ có động đất và sóng thần, mà các thảm họa khác cũng xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa hè. Nhận thức và các biện pháp phòng ngừa của công chúng, chẳng hạn như dự trữ nguồn cung cấp khẩn cấp, có thể giúp bảo vệ người dân khỏi bất kỳ loại thảm họa nào”, bà Sugimoto ám chỉ các cơn bão, mưa lớn và lũ lụt.

Tuy nhiên, bà Sugimoto và Giáo sư Geller đều chỉ ra rằng trận động đất ở Noto đã bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống ứng phó của Nhật Bản, với tình trạng sập đường khiến các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất mắc kẹt và nhiều cư dân di dời vẫn không có nhà ở nhiều tháng sau đó.

Thảm kịch ở Noto cho thấy nguy cơ tập trung quá nhiều sự chú ý vào Rãnh Nankai, khi các khu vực khác của đất nước cũng đang bị đe dọa.

Theo ông Geller, việc nhấn mạnh vào Rãnh Nankai đã khiến người dân ở khu vực đó được chuẩn bị tốt, nhưng điều đó gây hại cho phần còn lại của đất nước. Mọi người nghĩ, Nankai rất nguy hiểm, nhưng còn Kumamoto hoặc Bán đảo Noto thì rất ổn.

“Lối suy nghĩ đó có tác dụng ru ngủ mọi người vào cảm giác an toàn giả tạo, ngoại trừ khu vực liên tục cảnh báo sắp xảy ra”, Giáo sư Geller kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN/NHK)
Người dân Nhật Bản đổ xô tích trữ hàng hóa do lo ngại động đất
Người dân Nhật Bản đổ xô tích trữ hàng hóa do lo ngại động đất

Giới chức Nhật Bản kêu gọi người dân tránh tích trữ hàng hóa giữa lúc những lo ngại về khả năng xảy ra động đất lớn đã làm tăng vọt nhu cầu đối với các trang thiết bị, dụng cụ cứu hộ thiên tai và nhu yếu phẩm hàng ngày trong ngày 10/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN