Theo báo Hồng Công “Văn Hối” ngày 17/11, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố Sách Xanh, trong đó dự đoán Trung Quốc sẽ ôm trọn trung tâm tài chính toàn cầu.
Báo cáo do Sở Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chủ biên cho thấy sau hơn 30 năm cải cách, Trung Quốc đã phát triển trở thành một nước lớn về kinh tế nhưng chưa phải là cường quốc kinh tế, càng chưa phải là một cường quốc tài chính. Năm 2009, tỷ trọng của ngành dịch vụ tài chính Trung Quốc trong GDP chiếm không tới 7%. Trong khi đó, ở những nước hoặc khu vực có thực lực kinh tế thương mại hùng hậu, tổng lượng tài chính đều chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc tế hoặc khu vực. Chẳng hạn như Anh, Mỹ, Nhật Bản đều nắm trong tay những thành phố trung tâm tài chính quốc tế mang tính toàn cầu, khống chế nguồn vốn tài chính toàn cầu, nắm quyền phát ngôn tài chính toàn cầu.
Sách Xanh cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực tài chính thực thể, ở một mức độ nhất định, Trung Quốc thực sự đã nắm được vị trí chủ đạo ở một vài lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, nhưng so với địa vị kinh tế thì thực lực tài chính chưa đủ mạnh. Vì thế, muốn trở thành cường quốc kinh tế lãnh đạo thế giới, điều cấp bách hiện nay là cần định ra chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc gia, xây dựng thị trường tài chính và ngành tài chính phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trên thị trường tài chính quốc tế, và xây dựng những trung tâm tài chính có sức ảnh hưởng quốc tế.
Trải qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế lần này, trung tâm tài chính của Mỹ và châu Âu tuy vẫn duy trì được ưu thế truyền thống, ở vị trí chủ đạo, nhưng họ đang chịu sự thách thức đến từ trung tâm tài chính của các nước thị trường mới nổi như Trung Quốc. Cùng với sự nâng cao về vị thế quốc tế, Trung Quốc sẽ giành được quyền chủ đạo lớn hơn trong cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; quyền phát ngôn và sức ảnh hưởng của các thành phố như Hồng Công, Bắc Kinh, Thượng Hải cũng không ngừng tăng lên. Có thể dự kiến rằng cùng với tổng lượng kinh tế của Trung Quốc không ngừng tăng, địa vị quốc tế không ngừng nâng cao, quyền phát ngôn về tài chính của Trung Quốc cũng sẽ từng bước được nâng lên. Đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc hoàn toàn có thể hình thành 1 - 2 trung tâm tài chính mang tính toàn cầu và nhiều trung tâm tài chính quốc tế mang tính khu vực.
Sách Xanh còn dự kiến, hiện nay, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của mạng lưới sản xuất khu vực Đông Á, địa vị của Trung Quốc trong kinh tế và thương mại của châu Á và cả thế giới tiếp tục được nâng lên. Dự kiến đến năm 2020, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ gấp 2 lần Nhật Bản, địa vị của Trung Quốc trong khu vực châu Á sẽ lên cao hơn nữa. Địa vị đồng yên Nhật Bản sẽ giảm sút cùng với địa vị kinh tế của Nhật Bản, trong khi vai trò đồng tiền khu vực của đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ nâng lên mạnh mẽ, có hy vọng trở thành đồng tiền trung tâm của khu vực châu Á. Và cùng với sự nâng cao về khu vực hóa và quốc tế hóa của đồng NDT, hệ thống tiền tệ quốc tế có khả năng bắt đầu xuất hiện xu thế phát triển chuyển từ cục diện 2 cực (đồng USD và đồng euro) sang ba cực (USD, euro và NDT).
Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)