Trước đó, quốc gia này cũng đã rung chuyển bởi các vụ nổ, bắt cóc cảnh sát và gây bạo loạn nhà tù trong làn sóng bạo lực mới nhất mà chính quyền đang nỗ lực ngăn chặn. Theo đài CNN, nguyên nhân dẫn tới làn sóng bất ổn trên là vụ vượt ngục của một trong những trùm ma túy quyền lực nhất Ecuador.
Ecuador từng được biết đến là “hòn đảo hòa bình” nằm giữa hai nước sản xuất ma túy lớn nhất thế giới là Peru và Colombia. Tuy nhiên, các cảng nước sâu của nước này đã biến nơi đây thành điểm trung chuyển quan trọng ma túy đến tay người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu. Nền kinh tế bị đô la hóa cũng khiến nơi đây trở thành địa điểm chiến lược cho những kẻ buôn lậu tìm cách rửa tiền.
Các băng đảng ở Ecuador đang liên kết với các băng nhóm nước ngoài bao gồm các băng nhóm Mexico, băng đảng ở Brazil và thậm chí cả các tổ chức mafia Albania, góp phần thổi bùng tình trạng bạo lực.
Các tổ chức tội phạm đã và đang thực hiện những màn bạo lực tàn bạo và thường xuyên công khai trên đường phố, nhà tù. Hệ thống nhà tù từ lâu đã trở thành điểm bạo lực khét tiếng ở Ecuador. Theo chính quyền Ecuador, lực lượng an ninh đã phải vật lộn để đối đầu với các băng đảng bên trong các nhà tù quá tải - nơi các tù nhân thường nắm quyền kiểm soát từng khu vực nhà tù và điều hành các mạng lưới tội phạm từ sau song sắt.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh và chính phủ Ecuador không được chuẩn bị kỹ càng cho sự gia tăng của các nhóm tội phạm trong nước, thiếu trang thiết bị, đào tạo và chiến lược phù hợp. Hệ thống an ninh và tư pháp của Ecuador cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng. Năm 2022, Mỹ đã hủy thị thực đối với các quan chức cấp cao của lực lượng an ninh Ecuador bị cáo buộc có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy cũng như một số thẩm phán và luật sư.
Trước tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, cựu Tổng thống Guillermo Lasso đã ban hành một số tình trạng khẩn cấp, nhưng điều đó không giúp ngăn chặn được đổ máu. Sự bất mãn lan rộng trước tỷ lệ tội phạm tăng vọt đã làm giảm mức độ tín nhiệm của Lasso và ông đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 20/8/2023.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, bạo lực từ các băng nhóm còn công khai đến mức sát hại ứng viên tổng thống và quấy rối các chính trị gia. Điều này chứng tỏ các nhóm tội phạm có tổ chức đang sử dụng bạo lực nhằm tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách.
Khi nhậm chức vào năm ngoái, tân Tổng thống Daniel Noboa cam kết sẽ giải quyết tình trạng tội phạm gia tăng nhưng hiện giờ ông cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới.
Căn nguyên của bạo lực tuần này là việc thủ lĩnh băng đảng nổi tiếng Adolfo “Fito” Macías trốn thoát khỏi nhà tù ở Guayaquil vào ngày 7/1.
Theo trung tâm nghiên cứu InSight Crime, Macías là thủ lĩnh của Los Choneros, một trong những băng nhóm đáng sợ nhất ở Ecuador, có liên quan đến buôn bán ma túy trên biển sang Mexico và Mỹ. Băng đảng này hợp tác với băng đảng Sinaloa của Mexico và Mặt trận Oliver Sinisterra ở Colombia. Theo hãng tin Reuters, năm 2011, Macías bị kết án 34 năm tù vì các tội danh bao gồm buôn bán ma túy và giết người.
Để truy bắt Macías, Tổng thống Noboa đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời triển khai hơn 3.000 cảnh sát và thành viên lực lượng vũ trang. Sau khi Macías trốn thoát, cơ quan nhà tù Ecuador đã báo cáo sự cố xảy ra ở ít nhất sáu nhà tù ở các tỉnh khác nhau cùng ngày.
Sau đó, các nhóm tội phạm đã kích động một làn sóng tấn công bạo lực nhằm phô trương sức mạnh, ngăn cản những nỗ lực trấn áp các hoạt động của chúng. Ít nhất 8 người thiệt mạng ở Guayaquil, thành phố lớn nhất Ecuador và cũng được coi là nguy hiểm nhất. Một số sĩ quan cảnh sát đã bị bắt cóc. Cảnh sát đã bắt giữ 13 người vì xông vào đồn cảnh sát, thu hồi nhiều súng và lựu đạn.
Phản ứng trước làn sóng bạo lực mới nhất, Tổng thống Noboa đã tuyên bố về một cuộc xung đột vũ trang trong nước, ra lệnh cho lực lượng an ninh vô hiệu hóa một số nhóm tội phạm bị cáo buộc lan truyền bạo lực cực đoan.
Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài trong 60 ngày và áp dụng lệnh giới nghiêm hàng đêm từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Tổng thống Noboa cũng cho biết ông đã ủy quyền cho lực lượng an ninh giành lại quyền kiểm soát hệ thống nhà tù bất ổn.
Đô đốc Jaime Vela Erazo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh hỗn hợp của Lực lượng vũ trang Ecuador, ngày 9/1 tuyên bố sẽ không rút lui hoặc đàm phán với các băng nhóm, đồng thời nhấn mạnh tương lai của đất nước đang bị đe dọa.
Tình hình tại Ecuador cũng gây lo ngại khắp khu vực. Các nước láng giềng Colombia và Peru đã bày tỏ quan ngại về tình hình và ủng hộ chính phủ Tổng thống Noboa lập lại trật tự.
Các quan chức ở Peru cho biết nước này có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp dọc theo toàn bộ biên giới phía Bắc với Ecuador. Bộ Nội vụ Peru cũng đã ra lệnh cho Cảnh sát Quốc gia tăng cường an ninh ở biên giới.
Trong một tuyên bố trên nền tảng X, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ sát cánh cùng người dân Ecuador và sẵn sàng hỗ trợ cho chính phủ Ecuador.