Tuần qua, Pakistan kỷ niệm 67 năm ngày độc lập trên nền của một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà nhiều người cho rằng có nguy cơ làm sụp đổ chính phủ và nhấn chìm đất nước vào tình trạng vô chính phủ, trong khi quân Taliban lại đang nổi lên.
Đây thực sự là một tuần đầy khó khăn đối với Pakistan, nhất là đối với Thủ tướng Nawaz Sharif, người đang cầm quyền lần thứ ba trong lịch sử của đất nước. Tất cả những gì được coi là "thăng trầm của lịch sử" lại một lần nữa được phơi bày tại đất nước này.
Cảnh sát chống bạo động Pakistan được triển khai bảo vệ tư dinh của Thủ tướng ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Pakistan dường như đang bắt đầu một "mùa Thu chính trị" của riêng mình, có thể đẩy đất nước vào tình trạng vô chính phủ chỉ đúng 15 tháng sau sự chuyển giao dân chủ lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước (trong suốt 3 thập niên qua, Pakistan nằm dưới sự lãnh đạo của các nhà quân sự).
Tuần qua, hàng nghìn người biểu tình do phe đối lập lãnh đạo, đứng đầu là cựu "ngôi sao" môn cricket Imran Khan và giáo sỹ Tahir ul-Qadri, đã tập hợp tại thủ đô Islambad đòi chính phủ từ chức và tìm cách bắt giữ Thủ tướng Sharif. Trọng tâm bất đồng giữa phe đối lập và chính phủ là cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức tháng 5/2013. Đảng Công lý (PTI) của Imran Khan tuy về thứ ba trong cuộc bầu cử đó, nhưng từ một năm nay đã liên tục tố cáo rằng trong cuộc bầu cử có vô số gian lận. Trong khi đó, Phong trào Nhân dân Pakistan (PAT) của Tahir ul-Qadri - vốn đã tẩy chay cuộc bầu cử này - vừa tổ chức một cuộc biểu tình ngồi qui mô lớn ở trung tâm thủ đô.
Trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ phe đối lập và chính quyền nổ ra, điều khiến người ta rất lo ngại lúc này là cuộc đối đầu đó rất có thể sẽ bị biến thành "biển máu".
Theo các chuyên gia, liên minh giữa hai nhân vật chủ chốt của phe đối lập này có thể là "trò chơi của quân đội" hỗ trợ phe đối lập để gây sức ép với ông Sharif.
Song song với cuộc nổi dậy chống chính phủ, tuần qua Pakistan lại chứng kiến sự trỗi dậy của làn sóng bạo lực mới khi quân Taliban tiến hành các cuộc tấn công vào hai căn cứ không quân ở Quetta, thủ phủ của tỉnh tây nam Baloutchistan. Chiến dịch này diễn ra tiếp theo cuộc tấn công hồi tuần trước vào sân bay Karachi - phi trường lớn nhất của Pakistan. Và chính sự trỗi dậy của Taliban đã khiến Mỹ - đồng minh của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố - rất tức giận và luôn chỉ trích chính phủ Pakistan về sự nhu nhược trong cuộc chiến chống quân phiến loạn.
Dường như để thổi bùng cơn phẫn nộ của người dân chống chính phủ, Mỹ đã tăng cường các trận bắn phá của máy bay không người lái nhằm vào quân Taliban ở phía tây bắc Pakistan, khiến nhiều dân thường bị chết oan. Người dân Pakistan càng tức giận, muốn đứng lên chống chính phủ vì đã không thể ngăn chặn được các hành động của Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 10/2013, ông Sharif đã yêu cầu Tổng thống Obama chấm dứt các vụ tấn công sử dụng máy bay không người lái vào các cứ điểm của Taliban trên lãnh thổ Pakistan, nhưng yêu cầu này bị "bỏ ngoài tai". Thực tế này đã đẩy Thủ tướng Sharif vào thế "trên đe dưới búa": Vừa bị Mỹ thúc bách chống khủng bố với lời đe dọa nếu Pakistan làm không tốt, Mỹ sẽ ném bom vào lãnh thổ Pakistan, vừa bị người dân Pakistan không ngừng chỉ trích là không bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Theo giới quan sát, bị bủa vây bởi những thách thức này, rõ ràng Thủ tướng Sharif đang ở vào thế vô cùng nguy hiểm khi quyền lực bị lung lay cao độ. Và lúc này, ẩn số lớn của phương trình chính trị Pakistan vẫn là lập trường của quân đội, lực lượng nắm giữ các con bài thực sự của cuộc chơi trong bối cảnh dư luận vẫn nhớ rằng ông Sharif đã từng bị Tướng Musharraf lật đổ hồi năm 1999 trong một cuộc đảo chính để mở ra một thập niên cầm quyền của các nhà quân sự, và lúc này, một kịch bản như thế có thể rất dễ lặp lại tại một đất nước đã quen với việc "sống chung" với các cuộc đảo chính.
Phạm Phú Phúc (Theo tờ "Chính trị thế giới")