Khả năng Hy Lạp rút khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang giảm đi, nhưng nguy cơ Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) thì không giảm. Khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 7/5 tại Anh đang tới gần, các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại về khả năng Anh rời khỏi EU. Nhiều nhà kinh tế và chiến lược đang cảnh báo rằng các thị trường, nhất là thị trường tiền tệ, sẽ đối mặt với biến động lớn sau cuộc bầu cử đó. Kịch bản duy nhất khiến Anh không rời khỏi EU là một chiến thắng của lãnh tụ Công đảng Ed Miliband.
Nếu đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron tiếp tục thành lập chính phủ mới, khả năng Anh rời khỏi EU sẽ nổi lên như một cuộc tranh luận địa chính trị, bởi vì ông Cameron đã hứa tổ chức trưng cầu ý dân về quy chế thành viên EU của Anh vào năm 2017.
Nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Eurozone là vấn đề về tính toàn vẹn khối này, trong đó không có Anh. Khả năng Anh rời khỏi EU là về tính toàn vẹn của EU, hiện vẫn là khối thương mại lớn nhất thế giới. Mặc dù khó có thể tưởng tượng một EU không có Anh, mà đang gần thay thế Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khối, nhưng người ta không thể loại trừ kịch bản này. Hầu hết các tập đoàn Anh đang quan ngại về điều này khi có hàng triệu người Anh ủng hộ EU, lo sợ rằng nước này có thể trở thành Quần đảo Cayman "nước lạnh" nếu ra khỏi EU.
Các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại về khả năng Anh rời khỏi EU. |
Việc Anh rút lui sẽ có tính phá hủy nhiều hơn đối với EU, nếu so với việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone. Hy Lạp là nước nhỏ, trong khi theo tiêu chuẩn của châu Âu, Anh là nước lớn. Thái độ ủng hộ việc Anh ra khỏi EU đang tăng lên, một phần do uy tín ngày càng tăng của Đảng Vương quốc Anh độc lập (UKIP) của ông Nigel Farage, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm ngoái và dự đoán có khoảng 15% cử tri ủng hộ trong cuộc bầu cử Anh.
Nếu đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron tiếp tục thành lập chính phủ mới, khả năng Anh rời khỏi EU sẽ nổi lên như một cuộc tranh luận địa chính trị. |
Ông Farage cảnh báo Anh phải kiểm soát nhập cư và sẽ dễ dàng hơn nếu Anh ra khỏi EU và được tự do kiểm soát biên giới của mình. Khó khăn đối với ông Cameron, người không muốn Anh rời khỏi EU, là một phần lớn thành viên "ngang bướng" trong đảng Bảo thủ cầm quyền nhất trí với ông Farage, những người cho rằng châu Âu mục nát cũ đang kéo Anh đi xuống.
Anh gia nhập EU vào năm 1973 dưới thời chính phủ đảng Bảo thủ. Năm 1975, chính phủ Công đảng mới đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc tham gia EU, với 2/3 số cử tri lựa chọn ở lại EU. Đến đầu thập niên 1990, Anh gia nhập cơ cấu hối đoái, bước đầu tiên hướng tới việc áp dụng đồng euro, nhưng chỉ thấy biên độ giao dịch của đồng bảng Anh bị các nhà đầu cơ "băm nhỏ". Sau đó, Anh đã loại trừ việc tham gia Eurozone và rút khỏi một số hiệp ước của EU.
Nếu ra khỏi EU, Anh sẽ không bị lu mờ. London có thể vẫn là trung tâm ngân hàng, thương mại và thanh toán bù trừ của EU, mặc dù Pháp và Đức chắc chắn sẽ sử dụng những phương pháp để cố gắng chuyển các giao dịch do đồng euro chi phối sang Paris và Frankfurt. Chắc chắn là EU thiệt hại nhiều hơn Anh nếu London rời khỏi liên minh này.
EU sẽ mất người đề xuất tự do kinh tế lớn nhất, cũng như sức mạnh quân sự lớn nhất, sức ảnh hưởng của EU trên trường thế giới sẽ giảm sút. Không có Anh, EU có thể sẽ bị Đức hoàn toàn chi phối. EU sẽ cứng rắn với Anh nếu London tìm cách thương thuyết lại quy chế thành viên EU của họ. Nhưng Anh sẽ không làm như Hy Lạp và hiện EU đang cần Anh hơn là Anh cần EU.
Dương Hoa (Theo báo "Thư tín địa cầu")