Ngoại giao vùng Vịnh: Chìa khóa hòa bình cho Ukraine?

Sau gần 3 năm xung đột tàn khốc, ngoại giao toàn cầu vẫn chưa tìm ra lối thoát cho Ukraine. Tuy nhiên, sự tham gia bất ngờ của các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã mang lại hy vọng mới. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: DPA/TTXVN

Theo bình luận của tờ National (UAE) ngày 18/2, kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, thế giới đã chứng kiến một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Với hàng trăm nghìn binh sĩ thiệt mạng, số thường dân tử vong chưa được thống kê đầy đủ, cùng hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hậu quả của cuộc chiến vượt xa những gì nhiều người tưởng tượng.

Các khu vực như Mariupol hay Bakhmut giờ chỉ còn là đống đổ nát, minh chứng cho sự hủy diệt lớn. Trong bối cảnh đó, ngoại giao toàn cầu liên tục thất bại trong việc tìm kiếm lối thoát. Tuy nhiên, gần đây, sự tham gia của các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và UAE đã mở ra tia hy vọng mới.

Những tháng đầu xung đột, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine từng được kỳ vọng sẽ ngăn leo thang. Tuy nhiên, bất đồng về lãnh thổ, an ninh, và trách nhiệm đã khiến mọi nỗ lực đổ vỡ. Đỉnh điểm là thỏa thuận sơ bộ tại Istanbul (tháng 3/2022) bị Moskva từ chối, dẫn đến bế tắc kéo dài. Trong khi phương Tây áp đặt trừng phạt và viện trợ quân sự cho Kiev, Nga tăng cường quan hệ với các đối tác châu Á, khiến đối thoại càng thêm phức tạp.

Động thái bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên lo ngại về việc Mỹ “bỏ qua” Ukraine. Dù mục tiêu là phá vỡ bế tắc, lập trường này vô tình làm suy yếu niềm tin của Ukraine và khiến châu Âu bất an. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của các trung gian hòa giải mới – đặc biệt từ vùng Vịnh – trở nên cấp thiết.

Vùng Vịnh: Cầu nối cho những bên đối địch

Khác với phương Tây, Saudi Arabia và UAE duy trì quan hệ cân bằng với cả Nga và Ukraine. Riyadh từng hợp tác với Moskva trong thỏa thuận OPEC+ để ổn định giá dầu, trong khi Abu Dhabi đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng Ukraine. Sự đan xen lợi ích này giúp hai nước trở thành đối tác đáng tin cậy.

Năm 2022, UAE đã đứng ra tổ chức trao đổi tù binh lớn nhất giữa Nga và Ukraine, với 200 binh sĩ hai bên. Tháng 5/2023, Saudi Arabia tài trợ cho chương trình “Grain from Ukraine” (Ngũ cốc từ Ukraine), hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc qua Hành lang Đen, giảm bớt khủng hoảng lương thực toàn cầu. Những thành công này cho thấy ngoại giao vùng Vịnh không chỉ dựa trên thiện chí mà còn có chiến lược rõ ràng: kết hợp đối thoại bí mật, đảm bảo lợi ích các bên và duy trì tính trung lập.

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn cần nhớ là bất kỳ giải pháp hòa bình bền vững nào cũng sẽ cần sự chấp thuận của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chứng kiến việc ký kết một thỏa thuận thương mại lớn với UAE trong chuyến thăm chính thức tới Abu Dhabi vào đầu tuần này.

Sự thịnh vượng trong tương lai của Ukraine đòi hỏi những thỏa thuận như vậy để giúp ích cho nước này sau khi xung đột kết thúc. Ông Zelensky đã nói rằng Ukraine không được mời tham gia các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia và sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào mà không có sự tham gia của Kiev.

Do đó, một thỏa thuận được áp đặt từ bên ngoài có ít cơ hội thành công trong dài hạn. Quan điểm này phản ánh bài học từ lịch sử. Như các cuộc xung đột ở Yemen hay Syria cho thấy, thỏa thuận thiếu sự tham gia của tất cả các bên thường sụp đổ nhanh chóng. 

Tuần này, cuộc họp tại Riyadh với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đối thoại. Bất kể kết quả của các cuộc họp tuần này tại Saudi Arabia là gì, ngoại giao vùng Vịnh sẽ tiếp tục là một nguồn lực quan trọng và không thể thiếu, không chỉ để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine mà còn có thể trở thành khuôn mẫu giúp ngăn chặn sự tổn thất về sinh mạng ở khu vực gần hơn như Palestine.

Tóm lại, tận dụng nhiều năm hợp tác kinh tế và an ninh với các đồng minh cũng như đối tác quan trọng ở nước ngoài là một cách mạnh mẽ để các nước vùng Vịnh truyền tải thông điệp rằng, những cuộc xung đột vũ trang chết chóc như vậy là những thất bại về chính trị và ngoại giao vốn không ai là bên chiến thắng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo thenationalnews.com)
Kết quả đàm phán Nga - Mỹ tại Saudi Arabia hé lộ nhiều thông tin sau 4 giờ thảo luận
Kết quả đàm phán Nga - Mỹ tại Saudi Arabia hé lộ nhiều thông tin sau 4 giờ thảo luận

Cuộc đàm phán kéo dài 4 giờ đồng hồ giữa phái đoàn Nga – Mỹ đã dần được hé lộ với nhiều thông tin liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vnaldimir Putin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN