Nghịch lý giữa đại dịch COVID-19: Bệnh viện Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên

Trong khi vai trò của nhân viên y tế quan trọng hơn bao giờ hết giữa đại dịch COVID-19, nhiều bệnh viện Mỹ và tổ chức bác sĩ lại buộc phải cắt giảm nhân viên vì khó khăn tài chính.

Theo tờ Washington Post, bệnh viện khắp nước Mỹ đã hoãn hoặc hoặc hủy các ca phẫu thuật không khẩn cấp để dành giường bệnh và thiết bị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, sự thay đổi đó đã khiến bệnh viện mất đi nguồn thu nhập chính, gây ra thiệt hại lớn về tài chính và buộc một số bệnh viện phải sa thải nhân viên y tế giữa lúc chật vật điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi Quốc gia cầm mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: AFP

Tuần trước, Tổ chức Bon Secours Mercy Health điều hành 51 bệnh viện ở 7 bang đã thông báo cho 700 nhân viên nghỉ phép. 

Ngày 8/4, tổ chức Ballad Health điều hành 21 bệnh viện khắp bang Tennessee và vùng Tây Nam bang Virginia cũng mang tin xấu cho 1.300 nhân viên và cho biết ban lãnh đạo sẽ bị giảm lương.

Y tá tại Bệnh viện Nhi Quốc gia tuần này nhận thông báo phải nghỉ việc một tuần bằng cách dùng ngày nghỉ phép hoặc nếu không còn ngày nghỉ phép thì phải nghỉ không lương.

Ban lãnh đạo các bệnh viện và nhà phân tích nhấn mạnh rằng không phải mọi nhân viên bị sa thải hoặc buộc phải nghỉ phép đều trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Có người nói rằng nghỉ phép giúp giảm số người trong bệnh viện, nhờ đó làm giảm tốc độ virus lây lan.

Tuy nhiên, khi thiếu những nhân viên nói trên, các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác đang phải gồng mình để đối phó với làn sóng bệnh nhân tăng vọt, khiến một số hệ thống chăm sóc y tế sắp đạt ngưỡng chịu đựng. Những nhân viên y tế tuyến đầu còn lại tại bệnh viện phải làm việc nhiều giờ hơn và một số còn bị giảm lương và phúc lợi.

Với những bệnh viện đã gặp khó khăn tài chính trước đại dịch COVID-19 thì việc mất thêm nguồn thu nhập đã khiến họ khó khăn trong tiếp tục điều trị bệnh nhân.

Ông John Fox, Tổng giám đốc điều hành tổ chức Beaumont Health, hệ thống bệnh viện lớn nhất bang Michigan, nói: “Tôi lo ngại về tình hình của 25% số bệnh viện yếu nhất về tài chính vì các bệnh viện khác không có cách nào để tiếp nhận hộ số bệnh nhân COVID-19”. Ông Fox lo ngại số lượng bệnh nhân gia tăng có thể khiến các bệnh viện ổn định tài chính hơn cũng quá tải.

Tình hình này cũng khiến một số bệnh viện khó khăn hơn trong trang trải chi phí tốn kém liên quan quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như tiền mua thiết bị bảo hộ cá nhân hay máy thở, thiết lập khu vực xét nghiệm…

Chú thích ảnh
Nhiều nhân viên y tế bị sa thải giữa đại dịch. Ảnh: Getty Images

Báo cáo từ Tổng thanh tra của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tuần này cho biết thiếu tiền chính là nguyên nhân khiến bệnh viện phải cho nhân viên nghỉ phép hoặc sa thải họ vào thời điểm tồi tệ.

Tổ chức Beaumout Health ở bang Michigan là một trong những hệ thống bệnh viện khá ổn định về tài chính tại Mỹ. Trong điều kiện bình thường, công ty kiếm được 16 triệu USD/tháng từ thu nhập hoạt động ròng. Nhưng sau khi hủy các ca phẫu thuật theo yêu cầu, Beaumont mất khoảng 100 triệu USD/tháng

Khắp bang Virginia, các bệnh viện và hệ thống chăm sóc y tế sẽ mất tổng cộng 600 triệu USD trong 30 ngày từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 4.

Những điều này cho thấy thiệt hại mà toàn bộ hệ thống chăm sóc y tế phải gánh chịu khi hủy bỏ các ca phẫu thuật không cần thiết.

Một hệ thống bệnh viện điển hình với 1.000 giường bệnh và có khả năng phẫu thuật cho bệnh nhân ngoại trú sẽ mất khoảng 140 triệu USD, một nửa doanh thu hoạt động, trong giai đoạn 3 tháng.

Các vấn đề tài chính khiến việc mua sắm thiết bị để bảo vệ nhân viên và chuẩn bị cho bệnh nhân COVID-19 thêm gặp khó khăn.

Các cơ sở bệnh viện đã chi nhiều tiền để thiết lập phòng áp lực âm để cách ly hiệu quả bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều bệnh viện đã lập cơ sở dã chiến ở bên ngoài cũng như khu vực xét nghiệm nhanh và tốn khá nhiều tiền.

Theo gói kích thích kinh tế, chính quyền liên bang đã phân bổ 100 tỷ USD cho các bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ y tế để hỗ trợ họ bù vào các khoản thu nhập đã mất, trả tiền xây dựng các cơ sở tạm thời và mua thiết bị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, con số trên sẽ là không đủ. Gói tiền 100 tỷ USD đó chỉ tương đương tổng doanh thu ngành bệnh viện trong một tháng, mà các bệnh viện sẽ phải điều trị bệnh nhân COVID-19 trong vài tháng tới.

Tuần này, Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu giải ngân 30 tỷ USD đầu tiên cho các bệnh viện. Cùng với các khoản hỗ trợ khác, sẽ có 64 tỷ USD được chia cho các bệnh viện.

Các bệnh viện cũng lo ngại do chính phủ cam kết trang trải chi phí điều trị COVID-19 cho cả người Mỹ không có bảo hiểm nên số tiền đó sẽ ăn vào khoản 100 tỷ USD được phân bổ. Chi phí chữa cho người Mỹ không có bảo hiểm ước tính lên tới 42 tỷ USD.

Không chỉ các bệnh viện Mỹ gặp khó khăn. Bác sĩ gia đình, bác sĩ nhi, bác sĩ nội khoa và các bác sĩ khác kiếm tiền bằng cách thăm khám riêng cho bệnh nhân đều rơi vào cảnh ngồi không phần lớn thời gian vì bệnh nhân đều ở nhà, hoãn khám bệnh hoặc hoãn các ca phẫu thuật theo yêu cầu.

Trong những ngày bang Orgeon thực hiện quy định giãn cách xã hội, bệnh viện Grants Pass giảm 30% nhân viên. Tập đoàn Y khoa Highgate ở New York sa thải 40% lực lượng lao động. Highgate từ chỗ đón 250 bệnh nhân mỗi ngày nay chỉ có 5 người. Với các bệnh viện, những tuần vừa qua như cơn ác mộng mà không ai có thể hình dung được.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 – ‘Sát thủ giấu mình’ với người trẻ khoẻ
COVID-19 – ‘Sát thủ giấu mình’ với người trẻ khoẻ

Cái chết của Ben đã để lại một bí ẩn. Brandy biết chồng cô mắc COVID-19, nhưng vẫn tự hỏi làm thế nào một huấn luyện viên bóng chày 30 tuổi khoẻ mạnh, không có bệnh lý nền lại ra đi quá nhanh như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN